Dự báo, phối hợp điều hành là quan trọng nhất

- Chủ Nhật, 19/02/2023, 16:26 - Chia sẻ

 Sau nhiều "tranh cãi", tại dự thảo lần 2 tờ trình Thủ tướng về sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83, Bộ Công thương đã đề xuất giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong phân công công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu.

Với dự thảo này, Bộ Công thương sẽ tiếp tục là cơ quan điều hành giá xăng dầu. Trước đó, liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95, Bộ Công thương đề xuất 3 phương án: Thứ nhất, giữ nguyên nhiệm vụ của các bộ. Cụ thể, Bộ Tài chính rà soát và hướng dẫn việc xác định chi phí để công bố cho Bộ Công thương tính toán giá cơ sở mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm có sự giám sát, kiểm tra các chi phí một cách chính xác, khách quan minh bạch, đúng chuyên môn nghiệp vụ. Phương án hai đề xuất đưa việc điều hành giá, tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu về cho Bộ Tài chính làm đầu mối. Và phương án 3 là đề xuất giao cho Bộ Công thương làm đầu mối chính.

Thế nhưng theo dự thảo, việc này sẽ dẫn đến chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ và làm phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế để thực hiện việc tính toán chi phí, giá cơ sở… Bởi vậy, Bộ Công thương đề xuất chọn phương án 2 - giao toàn bộ việc điều hành giá và tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính. Bộ Công thương sẽ phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao...

Sau khi Bộ Công thương đề xuất chuyển quyền điều hành giá xăng dầu sang cho Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã có văn bản từ chối, cho rằng, Bộ chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định. Các nhiệm vụ thuộc điều hành giá xăng dầu như giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu; rà soát tính toán, công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở… nên thống nhất giao về một đầu mối là Bộ Công thương...

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, việc hai bộ có văn bản và ý kiến qua lại khi góp ý vào dự thảo sửa đổi là bình thường. Cốt lõi vẫn là thống nhất quan điểm và việc "phân vai" điều hành sau này sẽ như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Thực tế, việc điều hành xăng dầu trong năm 2022 là nhiệm vụ khá khó khăn bởi nhiều yếu tố "dị biệt". Bởi vậy, đã có nhiều ý kiến phê phán không chỉ Bộ Công thương mà cả Bộ Tài chính về trách nhiệm điều hành giá xăng dầu, điều chỉnh chi phí định mức cho doanh nghiệp, đặc biệt là tình trạng đứt gãy nguồn cung ở một số thời điểm.

Vậy nên, cùng với đề xuất giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong phân công công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, vấn đề quan trọng nhất vẫn là công tác dự báo, phối hợp điều hành của liên Bộ Công thương - Tài chính thời gian tới sẽ như thế để sát với thực tiễn. Bên cạnh đó, cần tính đủ các chi phí cho doanh nghiệp.

Mặt hàng xăng dầu hiện chịu sự quản lý và điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như nhiều bộ, ngành khác nhau. Do đó, việc quản lý nhà nước cần có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành chức năng theo từng lĩnh vực quản lý... Và chỉ khi các bộ làm "tròn vai", hết trách nhiệm thì thị trường mới ổn định, không có nhiều xáo trộn.

Khương Ninh
#