Dự khai mạc Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn; nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam Nguyễn Quân.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Chủ tịch VCCA 2024 Nguyễn Quân cho biết, Việt Nam đang bước vào năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết số 52/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, bước sang năm thứ 4 thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Sự kiện này là dịp kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp… để cùng nhau thảo luận, giới thiệu các kết quả nghiên cứu, công nghệ mới để tiến tới đạt mục tiêu đặt ra.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ, tự động hóa không "nóng" như AI, bán dẫn nhưng luôn đóng góp quan trọng trong nền kinh tế. Với vai trò kết nối, VAA thu hút được đội ngũ các chuyên gia quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài cùng tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao, từ đó gắn kết nghiên cứu với đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, vươn tầm, nâng tầm quốc tế để phát triển công nghệ tự động hóa trong nước.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, với bề dày 30 năm hoạt động, Hội Tự động hóa Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc kết nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, các tổ chức và doanh nghiệp lĩnh vực điều khiển, tự động hóa, tạo điều kiện phát huy hiệu quả mọi nguồn lực của ngành trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Diễn đàn VCCA cũng đã trở thành một diễn đàn lớn, có uy tín trong nước và quốc tế, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, nhà sản xuất hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa.
Ông Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn hoan nghênh, ủng hộ và đồng hành với Hội Tự động hóa Việt Nam trong thời gian qua. Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao sự có mặt của các nhà nghiên cứu, các nhà sản xuất trong nước và quốc tế đã dành thời gian quý báu của mình tham gia hội nghị nhằm đóng góp cho cộng đồng những kết quả nghiên cứu mới nhất của mình trong lĩnh vực quan tâm của Hội nghị. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng mong rằng qua hội nghị này, mối quan hệ thân hữu giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế có cùng mối quan tâm sẽ được nâng lên một mức độ cao hơn.
Nêu rõ Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm đến khoa học và công nghệ, coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, trong đó tự động hóa đã được xác định là một trong những công nghệ cao, hướng công nghệ ưu tiên trong Luật Công nghệ cao và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030, thông qua hội nghị, ông Huỳnh Thành Đạt cho hay, Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng một số nội dung đối với Hội Tự động hóa Việt Nam trong thời gian tới.
Trong đó, tăng cường hơn nữa việc kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ để đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực tự động hóa thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ và chuyển đổi số theo hướng xanh, sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua các Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia.
Hội nghị VCCA 7 đã tiếp nhận được 168 bài của gần 360 tác giả. Với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm qua các vòng của các ủy viên phản biện đồng thời cũng là ủy viên Ban chương trình là các GS, PGS và TS - cán bộ nghiên cứu, giảng dạy nhiều kinh nghiệm ở các viện và trường đại học, Ban chương trình đã chọn được 144 báo cáo để trình bày tại hội nghị. Quá trình nộp bài, phân phản biện và đánh giá, nhận xét đều thực hiện theo mẫu tiêu chuẩn của các hội nghị quốc tế và được giám sát bởi các ủy viên phản biện qua trang web của Easychair.
Hội nghị khoa học sẽ tổ chức trong 2 ngày (9 – 11.5) với hình thức trực tiếp, bao gồm Phiên toàn thể với 19 tiểu ban và 4 báo cáo phiên toàn thể đến từ Hàn Quốc, Nhật và Australia và Việt Nam.