Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Phát triển sản xuất thông minh, công nghệ thân thiện môi trường

- Thứ Tư, 07/02/2024, 17:10 - Chia sẻ

Việc hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 với doanh thu ước đạt 55.286 tỷ đồng, cao thứ 2 trong lịch sử hình thành và phát triển trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức đã khẳng định vị thế, vai trò của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Trên cơ sở những kết quả nền tảng quan trọng đó, Tập đoàn xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024, trong đó có việc đổi mới hoạt động sản xuất theo hướng phát triển sản xuất thông minh, công nghệ thân thiện môi trường; đồng thời, đề xuất nhiều kiến nghị thiết thực, nhất là gỡ "nút thắt" về chính sách thuế.

Đạt doanh thu 55.286 tỷ đồng

Năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn đã kịp thời, quyết liệt chỉ đạo toàn Tập đoàn trong dự báo tình hình, xây dựng và triển khai các phương án xử lý nhanh nhạy, bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các bộ/ngành trong triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch, và khẳng định vị thế, vai trò.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mới đây, Ủy viên Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Phùng Quang Hiệp nhấn mạnh: Doanh thu năm 2023 của Tập đoàn cao thứ 2 trong lịch sử hình thành và phát triển (sau doanh thu năm 2022); nộp ngân sách nhà nước năm 2023 đạt 1.922 tỷ đồng…

Tổng Giám đốc Tập đoàn Phùng Quang Hiệp cho biết thêm: Bên cạnh nỗ lực hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã tập trung thực hiện đạt kết quả một số nhiệm vụ quan trọng như: hoàn thiện Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ - Tập đoàn giai đoạn 2022 - 2025 và đề án cơ cấu lại Tập đoàn đến năm 2025, Kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025; triển khai xây dựng Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; tích cực chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao để tái cơ cấu nợ vay 3 Dự án phân bón theo Kết luận của Bộ Chính trị, đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 118/QĐ-TTg để tái cơ cấu tài chính các dự án này; hoàn thiện phương án trình cấp có thẩm quyền và thúc đẩy tái cơ cấu Dự án Muối mỏ Kali tại Lào; xây dựng, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền Dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Thúc đẩy tiêu thụ trong nước

Trên cơ sở những kết quả nền tảng quan trọng của năm 2023, để hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2024, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề ra mục tiêu về sản xuất kinh doanh: giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá thực tế) đạt 53.261 tỷ đồng (bằng 106% ước thực hiện năm 2023); doanh thu cộng hợp đạt 56.497 tỷ đồng (bằng 102% so với ước thực hiện năm 2023); lợi nhuận cộng hợp đạt 2.430 tỷ đồng; tổng giá trị kế hoạch đầu tư xây dựng đạt 1.156.330 triệu đồng.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Tập đoàn xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trước hết, đẩy mạnh cơ cấu lại, thoái vốn, Cổ phần hóa Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị thành viên, tiếp tục thực hiện các nội dung công việc theo quy định pháp luật để cổ phần hóa, thoái vốn. Tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ban, ngành về Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2022/NĐ-CP. Xây dựng, hoàn thiện Đề án cơ cấu lại Trường Cao đẳng Hóa chất, Viện Hóa học Việt Nam.

Về sản xuất, phát huy hiệu quả các dự án đã đầu tư, tập trung bảo đảm các cân đối lớn về phân bón và hàng tiêu dùng thiết yếu; tập trung điều hành để đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị thành viên; tăng cường năng lực vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị công nghệ bảo đảm sản xuất ổn định, phát huy tối đa công suất... Cùng với đó, xây dựng kế hoạch đổi mới hoạt động sản xuất theo hướng phát triển sản xuất thông minh, công nghệ thân thiện môi trường để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao, tăng sức cạnh tranh bền vững. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để thúc đẩy tiêu thụ trong nước, phấn đấu đạt tỷ lệ mua bán nội bộ không thấp hơn 50% tổng lượng mua các vật tư cùng loại của đơn vị năm 2023; đồng thời, nghiên cứu thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm mục tiêu.

Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp về tài chính; phát triển thị trường; nguồn nhân sự, tổ chức; công nghệ - kỹ thuật; quản lý và điều hành; chuyển đổi số…

Gỡ “nút thắt” về chính sách thuế

Thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có những thách thức, cơ hội đan xen, để thực hiện thành công nhiệm vụ Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao, Tập đoàn đã đề xuất nhiều kiến nghị thiết thực, nhất là gỡ "nút thắt" về chính sách thuế.

Theo đó, Tập đoàn kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tại các đơn vị thuộc Tập đoàn theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sớm sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5%; xem xét sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để tháo gỡ vướng mắc về chi phí lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, điều này gây bất lợi cho các đơn vị trong Tập đoàn (đặc biệt là các đơn vị có lãi vay đầu tư cao) đồng thời khuyến khích các đơn vị nhập khẩu nguyên vật liệu.

Tập đoàn kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Chính phủ và có ý kiến đối với Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng duy trì biện pháp phòng vệ đối với sản phẩm phân DAP và MAP nhập khẩu, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, tạo điều kiện phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong nước, tránh phụ thuộc vào bên ngoài. Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn, định mức kinh tế kỹ thuật về việc xử lý Gyps làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng trong các công trình xây dựng; đáp ứng lộ trình thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, có chính sách ưu đãi thuế đối với xử lý chất thải thạch cao PG thành nguyên liệu cho phụ gia sản xuất xi măng, góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường; xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên lên 10% (thuế nhập khẩu hiện nay từ 0% - 4,5% tùy khu vực).

Trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế năm 2024 nhiều biến động, việc nhận biết thách thức để có giải pháp phù hợp, đón bắt cơ hội để phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh là yêu cầu và trách nhiệm đặt ra đối với lãnh đạo, công nhân viên chức Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Với sự giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ban, ngành và tinh thần đoàn kết vượt khó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tin tưởng sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng năm 2024, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và mục tiêu phát triển Tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025.

LIÊN HOA - KIM THU
#