Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II TP Hồ Chí Minh (HVCT)

Trí tuệ, nhiệt huyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm -Chìa khóa thành công

- Thứ Hai, 15/02/2021, 08:41 - Chia sẻ
Bất chấp những khó khăn cố hữu của lĩnh vực đào tạo nghề cũng như những ảnh hưởng tiêu cực do Covid-19 mang lại, thầy, trò Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II thành phố Hồ Chí Minh (HVCT) vẫn có một năm bứt phá ngoạn mục: Tổng số HSSV đào tạo năm học 2019 - 2020 là 7.900 HSSV; trong đó, năm 2020 đã tuyển sinh được 1.707 học sinh trình độ cao đẳng, trung cấp, đạt 106,6% so với kế hoạch; chất lượng đào tạo ngày càng nâng cao với hàng loạt giải thưởng tại các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, Hội thi giỏi nghề cấp thành phố và Huy chương Vàng cấp toàn quốc về trình diễn Kỹ năng nghề Công nghệ nước...

Từ tâm huyết của người thầy

Khó có thể nói hết những khó khăn mà ngành giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói chung, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II nói riêng đã vượt qua. Đó là sự cạnh tranh khốc liệt với các trường đại học; là những nhận thức chưa đầy đủ về học nghề, đào tạo nghề của một bộ phận xã hội; là cuộc chiến với đại dịch và những bài toán cơm áo gạo tiền trong bối cảnh tự chủ… Nhưng tình yêu nghề hay nói như TS Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Nhà trường thì cái “duyên nghiệp” này đã “vận” vào các thầy cô, gắn chặt, không thể tách rời. Bởi thế, họ đã cùng nhau vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác; giữ vững ngôi vị đầu trong số các trường cao đẳng thực hiện thí điểm tự chủ theo Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 04.04.2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhận thức được tự chủ là con đường tất yếu phải đi do đó, TS Nguyễn Thị Hằng cùng các cộng sự của mình xác định “chỉ có tiến chứ không lùi”. Bắt đầu từ đả thông tư tưởng cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong Nhà trường để họ hiểu rằng phải tự đổi mới, phải chủ động tìm đến học sinh, trao cho họ những thứ họ cần và đào tạo những nghề xã hội có nhu cầu, có địa chỉ cụ thể để học sinh ra trường sẽ sống bằng nghề đã học. Quan trọng hơn, đây là những điều kiện cần để giúp chính các thầy cô tồn tại, phát triển trong môi trường sư phạm của mình.

Sau lễ tốt nghiệp, những học sinh này đều đã có nơi làm việc chào đón!  

Ảnh: Đức Kiên

Khi “tư tưởng đã thông suốt thì mọi việc làm đều tốt!’ - Chân lý này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn toàn ứng nghiệm với Cao đẳng Kỹ nghệ II. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hằng đã chứng minh cho tập thể thầy cô giáo con đường đổi mới của mình, trong đó đào tạo liên kết giữa trường và doanh nghiệp là vấn đề “sống còn”. Theo đó, tập thể Nhà trường đã có hướng phát triển với phương châm “Trường và doanh nghiệp là hai thành tố của thị trường lao động - điều mà trước khi tự chủ không được quan tâm. Thực hiện phương châm này, Nhà trường đã chuyển đổi 26 nghề đào tạo theo mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp, tập trung đào tạo bồi dưỡng, thường xuyên và đào tạo chất lượng cao. Chuyển 40% modul, môn học của chương trình đào tạo xuống doanh nghiệp đào tạo; ký các hợp đồng đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp và cam kết với người học 100% có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Cùng với việc xây dựng, bổ sung, điều chỉnh, thẩm định và công bố công khai 26 chuẩn đầu vào, 26 chuẩn đầu ra của 26 chương trình dạy nghề cho người học và xã hội, Nhà trường đã cơ cấu lại bộ máy nhân sự phù hợp với hoạt động đổi mới; sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách để có được con đường đến đích nhanh nhất, hiệu quả nhất và cho ra lò nguồn nhân lực lao động chất lượng cao cho đất nước.

Đến quả ngọt từ tinh thần dám dấn thân

Chủ động, sáng tạo và dám dấn thân, tìm ra con đường phát triển cho mình luôn là tinh thần cống hiến của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường. Đến nay, sau gần 5 năm thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã về đích và trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đồng thời, tăng trách nhiệm giải trình trước xã hội và không làm giảm cơ hội tiếp cận học nghề tại Nhà trường.

Minh chứng đầu tiên là việc Nhà trường đã ngay lập tức xây dựng và chuyển đổi từ phương thức đào tạo truyền thống sang đào tạo trực tuyến khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Sở dĩ làm được như vậy là do Nhà trường đã chú trọng đến vấn đề số hóa các chương trình, giáo trình giảng dạy; đầu tư xây dựng được nền tảng kỹ thuật đào tạo số từ vài năm trước đó. Nhờ vậy, dù có lúc phải giãn cách xã hội nhưng các hoạt động của Nhà trường không hề gián đoạn; “trái lại, trình độ, thao tác công nghệ thông tin của các thầy cô đã nâng lên một bậc” - TS Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

Tiếp đó là sự nỗ lực, đổi mới trong nâng cao chất lượng dạy và học; đầu tư vào phương pháp giảng dạy… đã mang lại cho Nhà trường những quả ngọt. Hàng loạt các đề tài, sáng kiến nghiên cứu khoa học của cán bộ, giáo viên, học sinh đã bảo vệ thành công và đưa vào sử dụng trong giảng dạy, học tập của Nhà trường, mang lại nguồn lợi vật chất hàng trăm triệu đồng; góp phần làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Trong đó, đáng kể là công trình khoa học “Một số vấn đề về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trung học” của TS Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Nhà trường và TS Bùi Văn Hưng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Khi chất lượng đào tạo được nâng lên; thương hiệu lan tỏa đến hơn 300 trường THPT, TTGDTX, THCS trên địa bàn cả nước, Cao đẳng Kỹ nghệ II cứ thế “hữu xạ tự nhiên hương”, bất chấp khó khăn do đại dịch và cơ chế tuyển sinh của các trường đại học, Nhà trường vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu với tổng số học sinh, sinh viên đào tạo năm học 2019 - 2020 là 7.900 người; trong đó, năm 2020 đã tuyển sinh được 1.707 học sinh trình độ cao đẳng, trung cấp, đạt 106,6% so với kế hoạch; đào tạo sơ cấp, thường xuyên: 5.554 lượt/5.000 lượt - đạt tỷ lệ 111,08%. Tổng số học sinh, sinh viên tốt nghiệp năm 2019 - 2020 đạt tỷ lệ 95,5% đạt theo mục tiêu đề ra. Đặc biệt, 100% học sinh được giới thiệu việc làm đều có việc làm ổn định sau tốt nghiệp. Cùng với đó là hàng loạt giải thưởng tại các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, Hội thi giỏi nghề cấp thành phố và Huy chương Vàng toàn quốc về trình diễn Kỹ năng nghề Công nghệ nước của sinh viên Lâm Quốc Huy, lớp chất lượng cao nghề Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải tại kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020...

Môi trường học tập tại Cao đẳng Kỹ nghệ II luôn thu hút sự quan tâm của học sinh các trường THPT lân cận  

Ảnh: Đức Kiên 

Và hành trình tiếp theo

Năm 2020, ngoài việc tiếp tục hợp tác với các đối tác truyền thống Đại học Arizona (Hoa kỳ), Dự án GIZ (Cộng hòa Liên bang Đức), Học viện  Chishom (Australia), Dự án Jica (Nhật bản) và các đối tác mới; duy trì đào tạo theo modul với hơn 58 công ty, doanh nghiệp… Nhà trường sẽ tập trung xây dựng và triển khai Đề án quy hoạch phát triển trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Tiếp tục rà soát cơ cấu tổ chức bộ máy và sắp xếp nhân sự phù hợp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cấp đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thành lập một số trung tâm hoạt động dịch vụ, mở linh hoạt khai thác triệt để các dịch vụ từ đào tạo. Tăng cường công tác marketing, tuyển sinh theo kế hoạch đạt 100%, thực hiện tuyển sinh gắn với tuyển dụng. Thực hiện tuyển sinh, đào tạo tại chỗ, đào tạo tại địa phương, đào tạo chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp. Tổ chức quá trình giảng dạy của giáo viên, quá trình học tập của học sinh, sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tăng cường công tác quản lý giáo dục học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh hệ 9+. Xã hội hóa nguồn thu, tăng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ đào tạo, dịch vụ liên quan đến đào tạo và các hoạt động dịch vụ khác.

Cùng với đó, Nhà trường tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học. Triển khai đào tạo trực tuyến một số môn học/mô đun thích ứng với thiên tai, dịch bệnh trong tình hình mới. Thực hiện Quản trị nhà trường theo hướng chuyển đổi số. Tham gia thi học sinh giỏi nghề, Hội giảng giáo viên GDNN và thiết bị dạy nghề tự làm cấp Quốc gia. Xây dựng hệ thống doanh nghiệp chiến lược, duy trì và phát huy mối liên kết giữa Trường với doanh nghiệp trong đào tạo, thực tập kết hợp sản xuất, trao quỹ học bổng, tuyển dụng và đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp để doanh nghiệp thực sự tham gia vào quá trình đào tạo của trường. Hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn theo kết quả đánh giá ngoài chất lượng trường và chất lượng chương trình đào tạo nghề Công nghệ Ô tô; đẩy mạnh và phát triển công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế… Tất cả các nỗ lực trên đều hướng đến mục tiêu: Học nghề - việc làm - cuộc sống - tương lai!

Bình Nhi