Khát vọng “Kỳ tích sông Lam”

- Chủ Nhật, 30/01/2022, 07:23 - Chia sẻ
Nhắc đến xứ Nghệ, hẳn mỗi chúng ta đều liên tưởng đến quê hương của Người cha già vĩ đại của dân tộc; mảnh đất của làn điệu dân ca ví dặm hết giận lại thương. Vui mừng hơn, vùng đất đầy “nắng và gió” này đang ngày càng mạnh mẽ chuyển mình, bằng tư duy và tầm nhìn “đột phá - tiến vượt” để phát triển. Những thành tựu đó sẽ là tiền đề quan trọng để biến “Khát vọng sông Lam” thành “Kỳ tích sông Lam”, sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của miền Bắc như Bác Hồ hằng mong muốn.

Từng bước chuyển mình

Những ngày cuối năm, vượt qua cung đường hơn 40km, bắt đầu từ bản Sơn Thành (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) men theo những con đèo nhỏ, vượt qua “cổng trời”, chúng tôi cũng đặt chân được đến trung tâm xã Mường Lống, nơi: “Hoa đào e ấp giọt sương mai/ Mây vờn đỉnh núi chốn bồng lai”. Nụ cười chất phác, ông Và Xái Cổ chia sẻ, trước đây muốn vào Mường Lống phải vượt qua nhiều dãy đá cheo leo, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng nay được Đảng, Nhà nước quan tâm nên điều kiện đi lại thuận lợi hơn nhiều; bà con có cuộc sống ấm no... Tiếp lời ông Cổ, Bí thư Đảng ủy xã Lỳ Bá Xồng cho biết: Dù còn muôn vàn khó khăn song chính sự đổi thay trong “nếp nghĩ, nếp làm” đã mang đến màu sắc tươi sáng hơn cho các bản làng bám dọc triền núi với những nếp nhà thấp thoáng dưới tán đào, mận vừa nên thơ, vừa rất đỗi yên bình ở vùng lòng chảo cao nguyên này.

Núi Hồng-Sông Lam, biểu tượng của quê hương Nghệ Tĩnh
Ảnh: Giao Hưởng

Dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Nghệ An cần nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để làm nên một “kỳ tích sông Lam”; tiếp tục chủ động, tích cực, phối hợp để đưa các nghị quyết vào cuộc sống, vì sự phát triển của tỉnh - quê hương của Bác Hồ kính yêu… Cùng với phát triển kinh tế, thấm nhuần sâu sắc quan điểm: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi của Đảng ta, cần quan tâm phát huy truyền thống, thế mạnh của văn hóa con người xứ Nghệ; đặc biệt, chú trọng bảo vệ, tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

"Tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá của phía Bắc, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước, như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra", Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Rời các bản làng của Kỳ Sơn, xuôi đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi về với huyện Thanh Chương - vùng đất non nước hữu tình, nhân thuần, vật hậu: Đất giáp ba sông biển/ Núi hình muôn ngựa phi/ Chương, Hương chia hai ngả/ Lam, Phố hợp ba chi… Cụ Trần Nguyên (một người con xã Thanh Xuân) nhớ lại: Mấy chục năm trước, nghe tiếng Thanh Chương là nghe tiếng gọi đò, thân thiết nhưng cũng nhiều khắc khoải. Về Thanh Xuân hỏi về lúa má, một nông dân bảo: “Ở đâu không biết, ở đây khẩu một lô”. “Khẩu một lô”, bỏ chữ “một” đi, còn “khẩu lô” tức còn khổ lâu… “Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư làm đường giao thông từ trung tâm xã vào đến thôn, xóm; kéo điện lưới, tạo điều kiện cho bà con sản xuất, buôn bán, góp phần tạo nên diện mạo trù phú cho mảnh đất này”, cụ Nguyên xúc động nói.

“Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”… Lần trở lại Kim Liên (huyện Nam Đàn) này đúng dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay so với khoảng 4 - 5 năm trước đã từng đến. Đường vào quê Bác như rộng hơn, sạch hơn và rợp bóng mát của cây xanh, rực rỡ sắc hoa… Phó Chủ tịch UBND xã Trần Khắc Nghĩa cho biết, kinh tế của xã chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản, tăng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đặc biệt, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm kinh tế mới đem lại thu nhập cho người dân.

Trở lại thành phố Vinh vào chiều muộn. Đứng trên tầng cao nhất của khách sạn Mường Thanh, nhìn về phía Nam mở ra một khoảng trời trải dài về hướng sông Lam, bên cầu Bến Thủy nhộn nhịp lại qua, núi Quyết sừng sững, chứng tích tòa thành Phượng Hoàng Trung Đô còn đó in giữa trời xanh giấc mơ định đô không thành của Hoàng đế Quang Trung… Mải hòa mình vào những khúc hát mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ, giật mình khi anh bạn đồng nghiệp vỗ vai: “Đống hoang tàn ngày xưa đã trở thành đô thị loại I, trung tâm quan trọng khu vực Bắc miền Trung. Vinh đã mang trong mình một gương mặt sáng sủa và đầy tính “mở” của một đô thị trong thời hội nhập… người dân phấn khởi lắm!”.

Khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên

Thực hiện mong ước và lời căn dặn của Bác Hồ: “Là tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc…”, những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Nghệ An đã không ngừng nỗ lực, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, Nghệ An đã vươn lên đứng trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh của cả nước; tạo dựng được nền tảng kinh tế - xã hội ngày càng vững chắc trên các mặt. Đặc biệt, gần hai năm qua, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, Nghệ An đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nỗ lực duy trì, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý cho biết: Năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 6,2%; thu ngân sách vượt dự toán. Toàn tỉnh có 300 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 72,99%; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được giữ vững… “Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng lên, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện trong giai đoạn mới”, ông Quý nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, Nghệ An vẫn chưa là tỉnh “khá” của cả nước. Tốc độ tăng trưởng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của tỉnh… Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền Tây còn cao, đời sống một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn…

Về định hướng thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho biết: Tỉnh sẽ thực hiện tốt phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, vừa ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng và triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025... Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi và ưu tiên nguồn lực thỏa đáng để phát huy tối đa năng lực sản xuất của tất cả các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế. Trọng tâm là thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh chóng, toàn diện nền hành chính - công vụ, trước hết là các thủ tục hành chính, hoạt động dịch vụ công nhằm tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

 “Tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực hơn, phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, khơi dậy ý chí tự lực tự cường khát vọng vươn lên; tích cực, chủ động đổi mới sáng tạo đưa tỉnh phát triển bền vững. Phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu đến năm 2025, Nghệ An trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc; năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước”, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nhấn mạnh.

Tạm biệt xứ Nghệ - một dãy liền núi, liền sông của đất nước Việt Nam - nơi cắt rốn chôn rau, nuôi dưỡng cậu bé Nguyễn Sinh Cung thuở ấu thơ… chợt nhớ về những câu từ rộn rã trong bài hát “Chào ngày mới” của nhạc sĩ Trịnh Quang Thuận: “Nghệ An hôm nay từng ngày đổi thay/ Phố phường nhộn nhịp nao nức mùa Xuân về…/ Những con đường mới mở, những công trình thế kỷ…/ Cả quê hương vững bước, đi tới tương lai…/ Chào ngày mới về trên quê hương mới/ Ước vọng bay xa…”.

Ghi chép của DIỆP ANH