Ngày 6.1.2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06).
Thực hiện Đề án 06, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa được giao một số nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với một số đơn vị, địa phương trong việc triển khai đối sánh, làm sạch, đồng bộ dữ liệu các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (trẻ em, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, người có công…) trên địa bàn tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Xây dựng mô hình an sinh xã hội, tiến hành cấp tài khoản an sinh và thực hiện chi trả các khoản trợ cấp qua tài khoản (không dùng tiền mặt) cho 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile money...) từ ngân sách nhà nước.
Triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công, áp dụng các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trong nhóm dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06.
Đăng ký khai tử - đăng ký thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí. Triển khai thủ tục hành chính liên thông Cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và cấp phiếu lý lịch tư pháp…
Ông Dương Văn Huệ, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện chuyển đổi số trong chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho đối tượng người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện rà soát 224.950/257.075 đối tượng. Trong đó, số đối tượng đã có tài khoản/đăng ký chi trả qua tài khoản 20.166 người, số đối tượng nhận chi trả không dùng tiền mặt 10.864 người.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện rà soát 64.842/64.842 người có công (đạt 100%), thực hiện đối chiếu làm sạch và nhập dữ liệu người có công trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 63.392/64.842 người (đạt 97,76%).
Thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống phần mềm Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội, đã chuẩn hóa dữ liệu 192.023 đối tượng bảo trợ xã hội (đạt tỉ lệ 100%). Chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em thực hiện Đề án 06, toàn tỉnh Thanh Hóa đã cập nhật 961.348/970.157 trẻ em (đạt tỷ lệ 99,09% trên tổng số trẻ em).
Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại cơ quan, tỉnh Thanh Hóa đã có 35.320 hộ nghèo; 55.797 hộ cận nghèo, chuyển về Bộ Công an để phối hợp đối sánh, làm sạch dữ liệu; Số hóa 330.000 hồ sơ người có công…
100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã được công khai tiến độ, kết quả giải quyết trên Trang thông tin điện tử của Sở; 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội được niêm yết công khai rõ ràng, đúng quy định…
“Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu Quốc gia về Dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xây dựng nền tảng dữ liệu dùng chung đáp ứng mục tiêu của Đề án 06 của Chính phủ tiếp tục được triển khai nghiêm túc. Nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động về ý nghĩa, vai trò của việc kết nối, chia sẻ dữ liệu Quốc gia về Dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động phối hợp trong công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu Quốc gia về Dân cư giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ngày càng chặt chẽ, thường xuyên hơn và đạt kết quả thiết thực. Qua đó, góp phần giúp người dân, gia đình chính sách, người có công…thực hiện các thủ tục hành chính, chế độ, chính sách nhanh chóng, hiệu quả…”, ông Huệ thông tin.