Bến Tre: Tập trung phát triển cây dừa là cây công nghiệp chủ lực

- Thứ Tư, 15/05/2024, 09:08 - Chia sẻ

Tỉnh Bến Tr​e đang tập trung triển khai thực hiện đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực là cây dừa đến năm 2030, với nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Phát triển ổn định 80.000ha dừa

Bên Tre: Tập trung phát triển cây công nghiệp chủ lực là cây dừa
Tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu duy trì và phát triển ổn định 80.000ha dừa trong giai đoạn 2026-2030

Theo đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực là cây dừa đến năm 2030, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu trong giai đoạn 2024-2025, sẽ phát triển ổn định 79.000ha dừa. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa.

Trong đó, phát triển 1.500ha dừa hữu cơ nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 20.000ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 2.000ha; cải tạo 1% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa.

Giá trị ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm; kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, đạt khoảng 1 tỷ USD. Nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa.

Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Bến Tre duy trì và phát triển ổn định 80.000ha dừa. Trong đó, phát triển 5.000ha dừa hữu cơ nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 25.000ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000ha; cải tạo 5% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão.

Trong giai đoạn này, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 15,74%/năm; kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 14,87%/năm, đạt khoảng 2 tỷ USD.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Bên Tre: Tập trung phát triển cây công nghiệp chủ lực là cây dừa
Tỉnh Bến Tre tập trung phát triển cây dừa làm công nghiệp chủ lực 

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung đề án. Thường xuyên cập nhật thông tin, các quy định về xuất nhập khẩu dừa của các quốc gia trên thế giới để thông tin, chuyển kịp thời đến doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa.

Đồng thời, vận động, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ dừa, qua đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ngành dừa nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung.

Xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị dừa. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi giá trị dừa, phát triển sản xuất dừa hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng dừa tươi để đáp ứng nhu cầu tối đa nguyên liệu dừa chất lượng phục vụ cho chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý, chăm sóc cây dừa mẹ hiện có; tiếp tục bình tuyển công nhận cây dừa mẹ, nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu cung cấp giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cho vùng sản xuất tập trung. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, củng cố, phát triển hợp tác xã và tổ hợp tác.

Tập trung xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp đủ mạnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị dừa, giữ vai trò hạt nhân kết nối thị trường; chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các tác nhân trong chuỗi. Tăng cường hoạt động khuyến công, công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ chế biến dừa có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và biến dừa. Định hướng về phát triển công nghệ chế biến và bảo quản, cơ cấu các loại sản phẩm chế biến gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế.

UBND tỉnh Bến Tre cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại. Trong đó, triển khai có hiệu quả kế hoạch xuất khẩu từng giai đoạn, kế hoạch tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại hằng năm, chương trình xúc tiến thương mại từng giai đoạn để xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu các sản phẩm dừa của tỉnh.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm; tháo gỡ rào cản thương mại, đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu.

Xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa; tăng cường công tác quản lý nhà nước; quan tâm công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất cây công nghiệp chủ lực.

Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế về khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất cây công nghiệp chủ lực như: nghiên cứu chọn tạo, nhập nội giống mới; quy trình canh tác; cơ giới hóa các khâu sản xuất; nghiên cứu thiết bị, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến; tháo gỡ rào cản thương mại, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ…

Nguyễn Tuấn
#