Chọn học chương trình liên kết quốc tế nào có lợi nhất khi ra trường?

- Thứ Năm, 29/02/2024, 14:32 - Chia sẻ

Để chọn được chương trình liên kết đào tạo quốc tế đảm bảo chất lượng, được Bộ GD-ĐT công nhận, học sinh và phụ huynh cần dành thời gian tìm hiểu, cân nhắc để lựa chọn chương trình liên kết thích hợp, cân bằng giữa đầu tư và chất lượng, có thể tạo lợi thế cạnh tranh khi tốt nghiệp.

Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tại chương trình Toạ đàm "Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài: Học và cấp bằng như thế nào?" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức vừa qua.

275a8224 (1) (1) (1).jpg -0
Tọa đàm "Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài: Học và cấp bằng như thế nào?" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Xuân Tùng)

Nhiều thí sinh không đủ năng lực ngoại ngữ để đáp ứng chương trình đào tạo của nước ngoài

- Từ khi có Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học đã gặp những thuận lợi và khó khăn hạn chế gì khi triển khai chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, thưa TS. Nguyễn Quang Thuận?

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận: Phải khẳng định, Nghị định 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT đều là những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về liên kết đào tạo với nước ngoài, tạo ra một hành lang pháp lý tốt cho các cơ sở giáo dục triển khai hoạt động.

Đặc biệt, tôi đánh giá cao Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tích hợp giữa hoạt động giảng dạy trực tiếp trên lớp học và đào tạo trực tuyến đã bắt kịp xu thế thế giới, mang đến những trải nghiệm mới, linh hoạt, thuận tiện cho người học.

Nói về những khó khăn, hạn chế thì không riêng gì Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, mà với chung các trường đại học triển khai chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài vẫn là "rào cản" ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đầu vào. Bởi để được cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, sinh viên phải có trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (từ IELTS 5.5 trở lên với tiếng Anh). Nhưng hiện nay nhiều thí sinh không đủ năng lực để đáp ứng. 

Khắc phục khó khăn này, Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có Khoa Ngôn ngữ ứng dụng để tập trung đào tạo sinh viên khi chưa đủ điều kiện đầu vào tiếng Anh. Năng lực ngoại ngữ từ thách thức sẽ biến thành thuận lợi, tạo điều kiện cho sinh viên gia nhập thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa hiện nay.

- Theo TS. Nguyễn Quang Thuận, để chương trình liên kết với nước ngoài được triển khai thuận lợi cần bổ sung những chính sách  gì?

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận: Bên cạnh các văn bản pháp lý hành lang, các nghị định và thông tư đã được ban hành, ĐHQGHN đã thành lập 2 Ban, đó là: Ban Đào tạo và Ban Hợp tác phát triển. Các Ban này sẽ tập trung giám sát, đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo trong ĐHQGHN theo quy định của pháp luật. Do vậy, muốn thành lập một chương trình liên kết đào tạo trong ĐHQGHN phải đáp ứng được các tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhà trường đề ra. 

Tuy vậy, Nghị định 86/2018/NĐ-CP đang tập trung vào các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài nhưng tổ chức tại Việt Nam chứ chưa có quy định, quy chế rõ ràng cho các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tổ chức tại nước ngoài. 

Tôi kỳ vọng, trong tương lai, các cơ sở giáo dục sẽ thuận lợi hơn trong việc mở các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tổ chức tại nước ngoài. 

275a8375 (1) (1).jpg -0
Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Xuân Tùng)

- Hiện nay, Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có bao nhiêu chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận: Hiện nay, Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai 6 chương trình cử nhân liên kết đào tạo với nước ngoài, gồm 03 ngành do đối tác cấp bằng; 2 ngành (chương trình song bằng) do đối tác và Đại học Quốc gia Hà Nội cùng cấp bằng; 1 ngành do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng. Đây đều là các chương trình được xây dựng trên cơ sở sử dụng các chương trình hiện đại, tiên tiến của những trường đối tác uy tín, có điều chỉnh phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Cụ thể: Cử nhân ngành Kế toán và Tài chính do Trường Đại học East London, Vương quốc Anh cấp bằng; Cử nhân khoa học ngành Quản trị Khách sạn, Thể Thao và Du lịch (dự kiến năm 2024 sẽ đổi tên thành Quản trị Khách sạn, Du lịch và Sự kiện) do Trường Đại học Troy, Hoa Kỳ cấp bằng; Cử nhân khoa học ngành Quản lý do Trường Đại học Keuka, Hoa Kỳ cấp bằng; Cử nhân khoa học ngành Quản lý do Trường Đại học Keuka, Hoa Kỳ và Đại học Quốc gia Hà Nội cùng cấp bằng (Chương trình Song bằng, cấp 2 bằng đại học); Cử nhân ngành Marketing do Trường Đại học HELP, Malaysia và Đại học Quốc gia Hà Nội cùng cấp bằng (Chương trình Song bằng, cấp 2 bằng đại học) và Cử nhân ngành Tin học và Kỹ thuật máy tính liên kết với Trường Đại học Năng lượng Moscow, Liên bang Nga do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng.

Đối tác liên kết là các trường đó phải nằm trong bảng xếp hạng thế giới

- Vậy tiêu chí lựa chọn các đối tác liên kết của nhà trường như thế nào để đảm bảo chương trình chất lượng?

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận: Nguyên tắc số 1 mà Trường Quốc tế -  Đại học Quốc gia Hà Nội lựa chọn đối tác liên kết là các trường đó phải nằm trong bảng xếp hạng thế giới. Thứ 2, đối tác liên kết phải đảm bảo được chất lượng của chương trình đào tạo. Các chương trình phải được kiểm định và tuân thủ đúng quy định của pháp luật theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP. 

Đồng thời, tùy từng thời điểm mà trường ưu tiên lựa chọn các trường truyền thống, hỗ trợ tốt công tác đào tạo, nghiên cứu cũng như thuận lợi trong việc chuyển đổi, trao đổi sinh viên. Những yếu tố này góp phần tạo ra môi trường quốc tế hóa cao trong trường đại học, thúc đẩy quá trình hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Sắp tới, để bắt kịp xu thế phát triển, Trường Quốc tế có chiến lược “chơi” với các trường đại học lớn, trong top 100 thế giới, thậm chí top 50. Câu chuyện này nghe đơn giản nhưng cũng không dễ. Để “chơi” với các trường lớn này, chúng tôi tập trung vào đào tạo tiến sĩ, sẽ dễ hơn đào tạo đại học và thạc sĩ. Khi "chơi" với trường top đầu mình cũng sẽ trở nên tốt hơn và nâng cao thứ hạng mình lên.

Hiện nay, Trường Quốc tế triển khai đa dạng các mô hình đào tạo liên kết quốc tế. Có những chương trình liên kết quốc tế nhưng là ĐHQGHN cấp bằng; Có chương trình đào tạo 2 bên (do ĐHQGHN và trường đối tác) cùng cấp bằng, gọi là chương trình song bằng. Và có chương trình đào tạo mà một mình trường đối tác cấp bằng.

Hiện tại, với bậc cử nhân chúng tôi có 6 chương trình đào tạo liên kết quốc tế, ở thạc sĩ có 3 chương trình, tổng cộng có 9 chương trình đào tạo thuộc các ngành nghề khác nhau.

Cơ sở để xây dựng các chương trình đào tạo này là lấy các chương trình đào tạo hiện đại, uy tín của đối tác, phù hợp với nhu cầu xã hội của Việt Nam; sau đó điều chỉnh sát với thực tiễn tại Việt Nam và các quy định, quy chế của Việt Nam như chương trình cấp song bằng mà ĐHQGHN cấp bằng vì cấp bằng của Việt Nam  phải đảm bảo các quy định của Việt Nam. Ví dụ như đưa thêm vào các học phần liên quan đến lý luận chính trị để phù hợp các quy định của Việt Nam. Đồng thời cũng xem xét một số nội dung học phần của đối tác các có phù hợp khi giảng dạy tại Việt Nam hay không.

- Học chương trình liên kết với nước ngoài thì việc công nhận tốt nghiệp và cấp bằng được quy định như thế nào, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận: Với 3 chương trình liên kết do đối tác cấp bằng thì khi sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo đồng thời đáp ứng đầy đủ các điều kiện tốt nghiệp theo quy định sẽ được trường đối tác tổ chức, thực hiện việc xét và cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên.

Với 2 chương trình song bằng, sinh viên sẽ đồng thời được Trường Quốc tế và trường đối tác thực hiện việc xét tốt nghiệp theo quy định của từng trường để được nhận đồng thời 2 bằng đại học.

Với chương trình Tin học và Kĩ thuật máy tính, sinh viên được Trường Quốc tế tổ chức xét công nhận tốt nghiệp và được ĐHQGHN cấp bằng theo đúng quy chế như đối với các chương trình đại học chính quy khác.

TS. Nguyễn Quang Thuận: "Nguyên tắc để Trường Quốc tế -  Đại học Quốc gia Hà Nội lựa chọn đối tác liên kết là phải nằm trong bảng xếp hạng thế giới" (Ảnh: Xuân Tùng)

Cần quan tâm đến khâu kiểm định chất lượng

- Năm 2024, tuyển sinh của chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài năm nay của Trường Quốc tế có điểm gì mới, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận: Năm 2024, Trường Quốc tế cơ bản sẽ giữ ổn định các phương thức, điều kiện tuyển sinh như các năm trước. Về yêu cầu đầu vào, ngoài đáp ứng các điều kiện của từng phương thức tuyển sinh (như kết quả học tập THPT (học bạ), thi tốt nghiệp, thi ĐGNL của ĐHQGHN; SAT,…), thí sinh cần có chứng chỉ tiếng Anh đạt tối thiểu bậc 4/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương B2 theo Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của châu Âu) hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt tối thiểu IELTS 5.5 hoặc tương đương để được công nhận sinh viên chính thức và được học chương trình chính khóa.

Với sinh viên chưa đạt điều kiện tiếng Anh như trên, Trường có chương trình đạo tạo tiếng Anh dự bị trong một năm đầu tiên để hỗ trợ sinh viên đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay, Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung triển khai 3 hình thức liên kết đào tạo chính gồm: đối tác hoàn toàn cấp bằng; cả 2 bên cấp bằng (chương trình song bằng); do trường của Việt Nam cấp bằng. Trong đó, mô hình học song bằng đang nhận được nhiều sự quan tâm, bởi cho phép người học nhận đồng thời hai văn bằng tốt nghiệp của Đại học Quốc gia Hà Nội và của Trường đối tác nước ngoài. Sinh viên còn có cơ hội tham gia một học kỳ trải nghiệm học tập tại trường đại học đối tác ở Hoa Kỳ, Malaysia, với chi phí hợp lý. 

- Ông có lời khuyên gì để các thí sinh và phụ huynh yên tâm đăng ký lựa chọn chương trình liên kết quốc tế chất lượng và được Nhà nước công nhận tránh “tiền mất tật mang”?

Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuận: Để chọn được chương trình liên kết đào tạo quốc tế đảm bảo chất lượng, được Bộ GD-ĐT công nhận, học sinh và phụ huynh cần dành thời gian tìm hiểu, cân nhắc để lựa chọn chương trình liên kết thích hợp, cân bằng giữa đầu tư và chất lượng, có thể tạo lợi thế cạnh tranh khi tốt nghiệp.

Đặc biệt, khi chọn trường liên kết phải quan tâm đến khâu kiểm định chất lượng, có xếp hạng càng cao càng tốt. Nếu chất lượng không tốt thì tấm bằng tốt nghiệp sẽ không có giá trị. 

Người học nên vào web của trường nước ngoài để xem kết quả xếp hạng và kiểm định, tiếp đó đánh giá độ uy tín của trường đại học ở Việt Nam. Nếu 2 bên liên kết đều là những trường đạt chuẩn chất lượng mới nên đăng ký.

Một vấn đề quan trọng khác là người học phải tìm hiểu kỹ cơ hội nghề nghiệp, cơ hội học tiếp ở trình độ cao hơn; thông tin về chi phí… Bất cứ trường nào cũng có cộng đồng những người đã tốt nghiệp và đi làm, đó làm một kênh tiếp nhận thông tin rất tốt cho người học.

- Xin trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Quang Thuận!

Nhật Hồng - Trang Nhung (thực hiện)
#