Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:
Tranh chấp đất đai có thể được giải quyết bằng trọng tài thương mại không?
Căn cứ theo Điều 236, Luật Đất đai 2024 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
Điều 236. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
1. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án giải quyết.
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3, Điều này;
- Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
...
5. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.
6. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai khi được Tòa án, Trọng tài thương mại Việt Nam yêu cầu để làm căn cứ cho giải quyết tranh chấp đất đai.
...
Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai 2024 thì trong trường hợp tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai thì Trọng tài thương mại Việt Nam có thể giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.
Trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp có cần phải tiến hành hòa giải không?
Tại Điều 58, Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định về hòa giải, công nhận hòa giải thành như sau:
Điều 58. Hoà giải, công nhận hòa giải thành
Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.
Như vậy, trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp không bắt buộc cần phải tiến hành hòa giải.
Việc hòa giải giải quyết tranh chấp trong trọng tài thương mại sẽ do các bên thỏa thuận với nhau.
Tranh chấp nào không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại?
Căn cứ theo khoản 3, Điều 2, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP có quy định về trường hợp tranh chấp có thỏa thuận trọng tài nhưng thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:
Điều 2. Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Trọng tài, Tòa án theo quy định Luật Trọng tài thương mại
1. Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp quy định tại Điều 2, Luật Trọng tài thương mại nếu các bên có thoả thuận trọng tài quy định tại Điều 5 và Điều 16, Luật Trọng tài thương mại, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3, Điều này.
...
3. Tranh chấp có thỏa thuận trọng tài nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác:
a) Có quyết định của Tòa án huỷ phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên;
b) Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài quy định tại khoản 1, Điều 43 các điểm a, b, d và đ, khoản 1, Điều 59, Luật Trọng tài thương mại;
c) Tranh chấp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5, Điều 4, Nghị quyết này.
Như vậy, tranh chấp không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại bao gồm:
- Có quyết định của Tòa án huỷ phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên;
- Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài trong trường hợp:
+ Không thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được
+ Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
+ Nguyên đơn hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức đã chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức mà không có cơ quan, tổ chức nào tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó;
+ Các bên thoả thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp;
+ Tòa án đã quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được.
- Tranh chấp thuộc trường hợp:
+ Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
+ Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
+ Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
+ Phán quyết trọng tài là chung thẩm.