Các hoạt động này bao gồm tuyên truyền các kiến thức trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt an toàn cho cán bộ, giáo viên, người lao động và học sinh, sinh viên tại đơn vị; phổ biến các biện pháp, giải pháp, kỹ năng thoát nạn, cứu nạn trong mọi tình huống.
Theo Sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố, nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với cảnh sát phòng cháy chữa cháy địa phương rà soát thống kê đánh giá điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy tại đơn vị. Đồng thời, chủ động phối hợp với cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tổ chức diễn tập, tập huấn cho người lao động, học sinh, sinh viên, học viên biết cách sơ cấp cứu khi xảy ra tai nạn do cháy nổ; tập huấn, hướng dẫn cách thoát nạn khi xảy ra cháy nổ để có kỹ năng thoát nạn an toàn.
Trường học phải trang bị đầy đủ trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và làm bảng chỉ dẫn lối thoát hiểm, cầu thang bộ, cửa thoát hiểm... dễ thấy, dễ đọc bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh; không khóa cửa cầu thang bộ, lối thoát hiểm khi có giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, học viên đang học tập và sinh hoạt trong trường.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục – Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các trường phải nghiên cứu đưa nội dung giáo dục pháp luật, kiến thức phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ lồng ghép trong chương trình, hoạt động ngoại khóa tại cơ sở giáo dục, phù hợp với từng cấp học, bậc học.
Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm chính về công tác phòng cháy, chữa cháy tại đơn vị. Sở cũng sẽ tăng cường phối hợp công tác kiểm tra trách nhiệm của người phụ trách trong việc thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém.