Tối ưu trong sử dụng quỹ bảo hiểm y tế

Lãnh đạo ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã và đang chỉ đạo sát sao các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp trong tham mưu, hướng dẫn địa phương triển khai chính sách, cùng sự vào cuộc tích cực của BHXH các địa phương, phát huy vai trò của người đứng đầu. Qua đó, có sự chuyển biến tích cực trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) và kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT bất hợp lý trên địa bàn cả nước.

Khoa học, minh bạch và nhân văn

Đó là nhận định của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tại Hội nghị trực tuyến về công tác kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT mới đây do BHXH Việt Nam tổ chức.

"Sự vào cuộc của ngành đã lan tỏa đến ngành y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh với mục tiêu chung là bảo đảm quyền lợi người tham gia và tối ưu sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, đúng quy định, có thêm nguồn lực để điều trị cho bệnh nhân nặng, mắc bệnh mãn tính" - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Hiện nay, các bệnh viện ghi nhận rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, bệnh hiếm, ghép tạng được điều trị. Các trường hợp này cần quá trình điều trị dài và chi phí điều trị rất lớn để phục hồi, duy trì cuộc sống. Đây là gánh nặng mà ngay cả những người có điều kiện kinh tế cũng không thể lo hết được nếu không có BHYT. Vì vậy, việc sử dụng hiệu quả, tối ưu quỹ BHYT, tránh lãng phí, bảo đảm quyền lợi người tham gia là điều rất quan trọng trong bối cảnh nguồn lực quỹ có hạn.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, việc kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT nhằm hạn chế những chỉ định quá mức cần thiết, bất hợp lý, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quỹ BHYT, tập trung nguồn lực điều trị cho những người bệnh nặng, mãn tính. Đây là định hướng xuyên suốt trong toàn ngành, bảo đảm kiểm soát khoa học, minh bạch, công khai và nhân văn.

Bảo đảm quyền lợi của người bệnh

Báo cáo đánh giá tình hình triển khai công tác kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc cho biết, hiện nay, các văn bản quy định trong công tác này khá đầy đủ, trong đó Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, là căn cứ để cơ quan BHXH làm việc, cảnh báo tới các cơ sở y tế về các chi phí tăng cao bất hợp lý.

Từ đầu năm đến nay, BHXH Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo. BHXH các địa phương cũng đã tích cực vào cuộc với trên 30 văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Y tế; trên 400 văn bản cảnh báo gửi đến các cơ sở y tế; làm việc với 557 cơ sở y tế. Bên cạnh đó, 62 BHXH tỉnh, thành phố đã tổ chức làm việc theo nhóm với các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tối ưu trong sử dụng quỹ bảo hiểm y tế -0
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BH

Trong tháng 5, chi phí khám, chữa bệnh BHYT bình quân chung toàn quốc giảm khoảng 6% so với tháng 4; trong khi số lượt khám, chữa bệnh BHYT vẫn tăng 7%, bảo đảm quyền lợi người tham gia, cho thấy hiệu quả bước đầu trong kiểm soát chi phí, hạn chế các chi phí bất hợp lý, lãng phí.

Ông Lê Văn Phúc đề nghị, BHXH các địa phương bám sát các quy định theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP để lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh làm việc cho đúng, chọn đúng nội dung cảnh báo, không cần phân tích nhiều chỉ số mà chọn các chỉ số gia tăng rõ ràng nhất. Bên cạnh đó, BHXH các địa phương cần kết hợp các phát hiện qua công tác giám định để phân tích nguyên nhân gia tăng. Ví dụ tỷ lệ nội trú cao thì cần chỉ ra các trường hợp nhập viện sớm, trường hợp có thể ngoại trú.

Chung tay vì mục tiêu chung

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận, đánh giá cao kết quả toàn ngành đạt được trong tháng 5 về công tác kiểm soát, tối ưu sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT, nhất là các địa phương có chuyển biến tích cực, rõ nét. Kết quả đó có được từ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống với phương pháp khoa học, hiệu quả; đặc biệt là sự chuyển biến về nhận thức của người đứng đầu và cán bộ thực hiện.

Việc kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT nhằm tối ưu sử dụng quỹ BHYT, phòng tránh và hạn chế tối đa các chi phí bất hợp lý, từ đó có nguồn lực dành cho những nhiệm vụ thiết thực, phục vụ người bệnh, nhất là người bệnh nặng và mãn tính. Với tinh thần này, BHXH các địa phương cần thường xuyên làm việc, giao ban, trao đổi để truyền tải đến đội ngũ lãnh đạo, các y bác sĩ tại các cơ sở khám, chữa bệnh để cùng chung tay vì mục tiêu chung.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, các đơn vị chuyên môn BHXH Việt Nam bám sát các quy định trong Nghị định 75/2023/NĐ-CP để xây dựng cơ chế kiểm soát, đưa ra các tiêu chí để từng cấp lãnh đạo, cán bộ liên quan biết và soi chiếu khi thực hiện. Mặt khác, tăng cường hệ thống thống kê, tổng hợp, đánh giá trên toàn quốc và từng địa phương phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo ngành và thực hiện nhiệm vụ tại BHXH các tỉnh, thành phố.

BHXH địa phương từ các hệ thống thống kê, cảnh báo của BHXH Việt Nam cần chuẩn hóa số liệu địa bàn mình phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp thông tin, xây dựng báo cáo; làm việc với các cơ sở y tế, chỉ rõ các chi phí bất hợp lý, so sánh với toàn quốc, khu vực và trong tỉnh. Đồng thời, bố trí cán bộ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ trong làm việc để tăng hiệu quả. Việc kiểm soát chi phí cần bảo đảm yếu tố phòng ngừa, cảnh báo từ sớm, từ xa và cương quyết với các chi phí bất hợp lý theo quy định; kết hợp giữa thanh tra, kiểm toán và giám định BHYT.

Với mục tiêu là tối ưu sử dụng quỹ BHYT, phòng chống lãng phí, bảo đảm quyền lợi người bệnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chỉ đạo toàn ngành tập trung cao độ, với tinh thần cương quyết, mềm dẻo, khoa học và hiệu quả.

Xã hội

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024
Môi trường

Hà Nội: Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành thử nghiệm từ 1.12.2024

Thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội cho biết, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã hoàn thành và đưa vào vận hành thử vào ngày 1.12 tới.

Các đại biểu tham dự chương trình. Ảnh: Lăng Dành
Xã hội

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nắm bắt tình hình

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập trên 2.100 Tổ Dân vận cộng đồng ở 100% thôn, bản, tổ dân phố, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình và đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các tổ dân vận đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt tình hình thông qua thành lập các nhóm Zalo “Tổ Dân vận nòng cốt vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số
Xã hội

Tổng kết dự án tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 22.11, tại Thành phố Điện Biên Phủ, World Vision International tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án "Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên" (IREM). Dự án do Liên minh cứu trợ Đức (ADH) tài trợ và được triển khai bởi World Vision trong 14 tháng (10.2023-11.2024).