Kinh tế

Tổ yến Việt trước cơ hội mở rộng thị trường Trung Quốc

Hạnh Nhung 09/05/2025 07:41

Ngày 8/5, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định thư mới về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc, thay thế Nghị định thư năm 2022; đây được coi là bước tiến quan trọng, tạo điều kiện để tổ yến Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Chủ động thích ứng với tiêu chuẩn mới

Tại Hội nghị, bà Trần Thị Thu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, sau hơn 2 năm triển khai Nghị định thư 2022, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, 13 doanh nghiệp Việt Nam đã được phía Trung Quốc cấp phép xuất khẩu tổ yến; hơn 4 tấn tổ yến tinh chế và hàng triệu sản phẩm tổ yến đã được xuất khẩu chính ngạch, đạt giá trị hơn 4 triệu USD.

Cùng với đó, hơn 70 doanh nghiệp đã tham gia chương trình giám sát, nâng cấp nhà máy chế biến để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Trên 4.000 nhà yến được giám sát an toàn dịch bệnh, với hơn 220 mẫu tổ yến được xét nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Ngay sau khi ký Nghị định thư năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tiếp tục đàm phán với Trung Quốc và ký Nghị định thư xuất khẩu tổ yến vào ngày 15/4/2025. Nghị định thư này gồm cả tổ yến sạch, tổ yến thô và sẽ thay thế cho Nghị định thư ký năm 2022.

to-yen-1-1146.jpg
Nghị định thư xuất khẩu tổ yến ký ngày 15/4/2025, bao gồm cả tổ yến sạch, tổ yến thô và thay thế cho Nghị định thư ký năm 2022. Ảnh: Tâm Tâm

Theo Cục Chăn nuôi và Thú y đánh giá, Trung Quốc tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới với nhu cầu cao và ổn định; vì vậy, việc mở cửa thị trường giúp doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận một lượng khách hàng khổng lồ, gia tăng xuất khẩu. Qua đó, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến, nâng cao tiêu chuẩn sản xuất; tạo động lực cải tiến chất lượng.

Bên cạnh đó, ngành yến nước ta sẽ có cơ hội để nâng cao giá trị thương hiệu; khi có mặt tại thị trường Trung Quốc, sản phẩm sẽ được quảng bá rộng rãi, giúp tăng độ nhận diện, góp phần nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu quốc gia; đây cũng là bước đệm để mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Avanest Việt Nam - một trong những đơn vị xuất khẩu yến sang Trung Quốc cho biết, hơn 2 năm qua, doanh nghiệp trong ngành đã có quá trình chuẩn bị từ sớm, nâng cấp quy trình và sản phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn mới. "Chúng tôi đã sẵn sàng cho các lô hàng tiếp theo; tiêu chuẩn mới không quá khó nếu có sự chuẩn bị bài bản", bà nói.

Ưu tiên truy xuất nguồn gốc, bứt phá về thương hiệu

Mặc dù tổ yến Việt Nam có chất lượng cao, giá trị kinh tế lớn (1.500 - 2.000USD/kg), nhưng tổng lượng xuất khẩu vẫn khiêm tốn, mới chỉ hơn 3 tấn tổ yến tinh chế. Con số này chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Một trong những nguyên nhân là tổ yến Việt Nam tiếp cận thị trường muộn hơn so với Malaysia và Indonesia; trong khi đó, công nghệ chế biến trong nước chưa phát triển tương xứng, khiến giá thành cao, mẫu mã kém cạnh tranh; đáng lưu ý, tổ yến giá rẻ từ các nước này còn được nhập khẩu về Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Ngoài ra, hoạt động nuôi chim yến vẫn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch ngành hàng và chưa có chiến lược xây dựng thương hiệu; việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng còn nhiều bất cập.

Để nắm bắt cơ hội từ thị trường Trung Quốc, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Dương Tất Thắng cho rằng, ngành yến cần phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, từ chăn nuôi, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ; doanh nghiệp chế biến cần đóng vai trò dẫn dắt, định hướng tiêu chuẩn và hỗ trợ sản xuất.

Bên cạnh đó, việc đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, xây dựng thương hiệu quốc gia cho yến sào Việt Nam và đẩy mạnh quảng bá tại các hội chợ, triển lãm quốc tế là yếu tố then chốt; ông Thắng cũng nhấn mạnh cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, coi đây là yếu tố bắt buộc để tăng niềm tin của người tiêu dùng quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Avanest Việt Nam cho rằng, thời điểm này, vấn đề không phải là chất lượng mà là cạnh tranh giá thành với tổ yến của Malaysia và Indonesia; bà kiến nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí kiểm dịch, truy xuất và quảng bá, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh về giá.

Đại diện Công ty Nhà yến Việt Nam cũng đề xuất bắt buộc truy xuất nguồn gốc đối với tất cả sản phẩm yến, đồng thời sớm ban hành các tiêu chuẩn cụ thể về bao bì và công bố sản phẩm nhằm nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp của ngành hàng.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tổ yến Việt trước cơ hội mở rộng thị trường Trung Quốc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO