Tiếp tục nghiên cứu mở rộng các chính sách hỗ trợ đi kèm
Chiều 22/5, thảo luận tại Tổ 11 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Long An, Sơn La, Vĩnh Long) về các dự thảo nghị quyết quan trọng liên quan đến giáo dục, nhiều đại biểu nhấn mạnh tính cấp thiết, nhân văn và tầm chiến lược của các dự thảo nghị quyết, đặc biệt là chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3-5 tuổi.
Cần chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính
Bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục Quốc dân, các ĐBQH tổ 11 cho rằng: chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí thời gian qua đã góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng, bảo đảm cơ hội học tập cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Dự thảo Nghị quyết lần này tiếp tục khẳng định rõ cam kết của Nhà nước đối với quyền học tập của công dân, nhất là trẻ em ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo.

Theo ĐBQH Đinh Công Sỹ ( Sơn La), trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách miễn, giảm học phí đối với người học ở cơ sở giáo dục công lập; hỗ trợ học phí đối với người học ở cơ sở giáo dục ngoài công lập. Cụ thể, đến nay đã có 10 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Vĩnh Phúc. Các địa phương này miễn, hỗ trợ học phí ở các mức độ khác nhau về đối tượng và mức chi, nhưng cho thấy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chăm lo phát triển giáo dục, chuẩn bị nguồn lực cho tương lai.
.jpg)
Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, để Nghị quyết sau khi được ban hành đi vào đời sống, có hiệu quả thực sự, ĐBQH Đinh Công Sỹ đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện KT-XH khó khăn; bổ sung kinh phí thực hiện đối với học viên học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác vào tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí từ năm học 2025-2026 cho các đối tượng theo dự thảo Nghị quyết.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ điều chỉnh dự toán ngân sách năm 2025 đối với các nhiệm vụ phát sinh năm 2025 gắn với việc triển khai nghị quyết
Đồng tình với ý kiến trên, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cũng cho rằng, cử tri và Nhân dân cả nước rất quan tâm và ủng hộ chủ trương này. Việc miễn học phí không chỉ mang lại niềm vui, sự an tâm cho hàng triệu gia đình mà còn góp phần hiện thực hóa quyền được tiếp cận giáo dục cơ bản cho mọi trẻ em. Đây là bước tiến phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức, đồng thời thể hiện tư tưởng "lấy con người làm trung tâm", kiến tạo tương lai từ nền tảng giáo dục.
.jpg)
Đại biểu cũng cho biết, hiện cả nước có hơn 23 triệu học sinh, trong đó hàng triệu em thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn. Việc miễn học phí sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa; góp phần nâng cao tỷ lệ đi học, hạn chế tình trạng bỏ học vì lý do kinh tế, hướng tới mục tiêu phổ cập giáo dục và công bằng trong tiếp cận tri thức.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng đánh giá cao việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 198, trong đó bố trí nguồn lực chuyển tiếp sang năm 2025 để triển khai chính sách miễn học phí. Tuy nhiên, để chính sách thực sự hiệu quả và bền vững, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính, bảo đảm chất lượng giáo dục không bị ảnh hưởng khi nguồn thu học phí không còn.
Các Bộ, ngành cũng tiếp tục nghiên cứu mở rộng các chính sách hỗ trợ đi kèm, như: hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học, nâng mức hỗ trợ BHYT cho học sinh phổ thông lên 50% và tiến tới 100%. Đây là những chính sách nhân văn, giúp giảm chênh lệch vùng miền, tạo điều kiện cho trẻ em nghèo, yếu thế được học tập và chăm sóc tốt hơn, thể hiện sự quan tâm thiết thực của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội với thế hệ tương lai của đất nước.
Thiết lập cơ chế kiểm soát, minh bạch
Đánh giá cao nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí, ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) cũng cho rằng, đây là quyết sách mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm lớn lao của Nhà nước đối với thế hệ trẻ. Theo đại biểu, học phí tuy không lớn, nhưng cộng với chi phí khác tạo thành gánh nặng đáng kể cho nhiều gia đình nghèo, lao động nhập cư, đồng bào dân tộc thiểu số.
.jpg)
Đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết thể hiện tư duy chính sách đổi mới, nhân văn và bao trùm với các điểm nổi bật với nguyên tắc "không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau" vì lý do tài chính, phù hợp với mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam. Chính sách cũng mở rộng phạm vi thụ hưởng đến toàn bộ người học chương trình giáo dục phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân – cả công lập và ngoài công lập, giúp tạo công bằng giữa các vùng miền và nhóm yếu thế; đồng thời có cơ chế cấp bù ngân sách cho các cơ sở giáo dục, thể hiện tính khả thi và bền vững của chính sách.
Tuy nhiên, để nghị quyết đạt mục tiêu đề ra, đại biểu kiến nghị tiếp tục rà soát đối tượng được hưởng chính sách, nhất là trẻ em 3- 4 tuổi vùng khó khăn – giai đoạn “vàng” phát triển trí tuệ, và học sinh tại trường ngoài công lập thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, khuyết tật.
Lưu ý, miễn học phí không đồng nghĩa với học sinh không phải trả chi phí học tập khác như đồng phục, kỹ năng mềm, bán trú…, ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng, nếu không kiểm soát tốt các khoản thu ngoài học phí, chính sách sẽ mất hiệu lực thực chất. Do đó, cần thiết lập cơ chế kiểm soát, minh bạch và có sự giám sát của phụ huynh, HĐND; đồng thời, cần có gói hỗ trợ toàn diện bao gồm cả học phí và một phần chi phí học tập như sách giáo khoa, thiết bị học tập cho học sinh nghèo, vùng sâu vùng xa.
Về cơ chế thực hiện, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm giữa ngân sách Trung ương và địa phương để tránh tình trạng chính sách ban hành nhưng không có nguồn lực đầy đủ.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đối tượng thụ hưởng, kết nối liên thông với hệ thống dữ liệu dân cư, bảo hiểm xã hội để bảo đảm hỗ trợ đúng – đủ – kịp thời. Điều này đặc biệt quan trọng với các nhóm khó xác định nơi cư trú như con công nhân di cư.
Đại biểu cũng cho rằng, miễn học phí phải song hành với nâng cao chất lượng giáo dục như cần tăng đầu tư cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ giáo viên vùng sâu vùng xa. Nếu trường lớp xuống cấp, giáo viên thiếu, thì miễn học phí cũng không mang lại giá trị thực sự cho người học.
Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị cần truyền thông chính sách sâu rộng, giải thích rõ về ý nghĩa, phạm vi và đối tượng thụ hưởng để người dân hiểu, đồng thuận và giám sát; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đồng hành qua các quỹ học bổng, chương trình tiếp sức đến trường để giảm áp lực tài chính cho Nhà nước và lan tỏa tinh thần nhân văn.