Tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh
Cùng với sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách, quan tâm tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng được tỉnh Quảng Ninh coi là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng.
Phù hợp yêu cầu thực tiễn
Nhiều năm qua, bằng những cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã từng bước phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm tăng thêm cho hàng nghìn lao động mỗi năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền trang trải các chi phí, duy trì hoạt động; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất cung ứng; tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước và khó khăn trong quá trình chuyển đổi số...

Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, coi việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, HĐND tỉnh Khóa XIV đã tiếp tục ban hành Nghị quyết về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Theo đánh giá, việc ban hành nghị quyết là phù hợp với thực tiễn đặt ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.272 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022; 280 doanh nghiệp giải thể, tăng 6% so với cùng kỳ 2022; 569 doanh nghiệp, hợp tác xã bỏ địa chỉ kinh doanh.
Tập trung nắm bắt, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh
Với 7 mục tiêu cụ thể và 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, Nghị quyết tập trung vào nắm bắt, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy...; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ pháp lý; hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường khả năng tiếp cận đất đai; tiếp cận vốn và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế…
Đồng thời, hỗ trợ nguồn lực thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh, cấp bổ sung vốn vay cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hợp tác xã liên hiệp sản xuất kinh doanh... nhằm hỗ trợ các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh nhanh, bền vững…
Với tính cấp thiết, kịp thời, trúng và đúng, nghị quyết đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao. Đây sẽ là nguồn “năng lượng” mới tiếp sức cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn vượt qua khó khăn, hồi phục nhanh, phát triển sản xuất, kinh doanh bắt kịp với xu thế phát triển trong tình hình mới, qua đó đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.