Những quyết nghị quan trọng của HĐND tỉnh Quảng Ninh nhằm thúc đẩy hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và cả giai đoạn

Tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực phát triển

- Thứ Hai, 28/08/2023, 06:23 - Chia sẻ

Ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tại Kỳ họp thứ 14 (kỳ họp thường lệ giữa năm) vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục ban hành nhiều quyết sách quan trọng, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm thúc đẩy hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra năm 2023 và của cả giai đoạn 2021 - 2025.

Chủ động bố trí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công

Trước đòi hỏi của thực tiễn phát triển cùng những kỳ vọng của cử tri, Nhân dân, các nhóm vấn đề trọng tâm, nhóm vấn đề còn nhiều trăn trở đã được các đại biểu HĐND tỉnh tập trung trí tuệ, trách nhiệm, thẳng thắn thảo luận nhằm định vị rõ những khó khăn, tồn tại, các kế hoạch tăng trưởng, phát triển của tỉnh để kiến nghị, đề xuất các giải pháp hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Cụ thể, là thực trạng giải ngân vốn đầu tư công thấp, tỷ lệ tạm ứng, thu hồi tạm ứng, giải ngân vốn kéo dài; việc giải ngân vốn chi thường xuyên ngân sách tỉnh chưa đạt yêu cầu; nợ đọng thuế vẫn cao và kết quả thu khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ thấp…

Với quan điểm được xác định xuyên suốt “đầu tư công là nguồn lực, động lực cho sự phát triển bền vững, là vốn mồi dẫn dắt đầu tư tư”, những năm gần đây, trung bình hàng năm, tỉnh Quảng Ninh đều dành trên 15.000 tỷ đồng (bao gồm vốn ngân sách Trung ương, tỉnh và các địa phương) để đầu tư các dự án, công trình, góp phần hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kỹ thuật, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững, giảm chênh lệch vùng miền và liên kết phát triển vùng.

Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, chỉ tính riêng về nội dung liên quan đến đầu tư công, HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua 5 nghị quyết quan trọng. Cụ thể: phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách cấp tỉnh; kế hoạch đầu tư công năm 2024 và sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 303/2020/NQ-HĐND ngày 9.12.2020 của HĐND tỉnh về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025. Việc UBND tỉnh chủ động đề xuất HĐND tỉnh điều chỉnh nguồn vốn đầu tư công thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri toàn tỉnh trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nhất là đối với nguồn vốn bị tồn đọng, khó giải ngân theo kế hoạch được giao để điều chuyển cho dự án hoàn thành, có khối lượng giải ngân cao.

Khai thông các điểm “nghẽn”  

Trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư, thực tiễn đã xuất hiện, nảy sinh nhiều vấn đề nổi cộm, khó khăn liên quan đến các quy định của pháp luật. Nhận diện điều này, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 303/2020/NQ-HĐND ngày 9.12.2020 của HĐND tỉnh. Trong đó, điều chỉnh nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025; điều chỉnh phân cấp các nhiệm vụ chi về hỗ trợ lĩnh vực quốc phòng, an ninh; bổ sung phân cấp nhiệm vụ chi về xây dựng các công trình biên giới; bổ sung điều khoản chuyển tiếp để xử lý các dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Theo đánh giá của HĐND tỉnh, Nghị quyết có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc phân bổ, quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính ngân sách của địa phương; tái cơ cấu đầu tư công gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả, bền vững. Trong đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; khắc phục những bất cập nảy sinh, tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn điều hành, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Nghị quyết cũng góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công, kiên quyết không để lặp lại tình trạng dàn trải, manh mún, cắt khúc, kéo dài, cơ chế “xin - cho”, “dưới duyệt - trên cấp”; không làm phát sinh thủ tục hành chính, phát sinh thời gian. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, tạo sự chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương, các cấp, các ngành, nhất là trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án khởi công mới còn lại của giai đoạn 2021 - 2025. Bảo đảm sự công bằng, cân đối, hài hòa, giữa các vùng - miền, lĩnh vực; nhất là thực hiện 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

TUẤN NGUYÊN