Một người theo chủ nghĩa quốc tế
Trước khi trở thành thượng nghị sĩ, bà Harris đã dành phần lớn sự nghiệp của mình ở vị trí một công chức ngành tư pháp. Trong 4 năm tại Thượng viện, bà Harris là thành viên của Ủy ban Tình báo và An ninh Nội địa và nhận được nhiều lời khen từ các đồng nghiệp khi đó với tư cách là một “người giám sát thông minh" đối với các vấn đề nhạy cảm. Bước vào vị trí Phó Tổng thống với những kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, bà Harris đã phải vật lộn trong nửa đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Biden để khẳng định vị trí của mình. Trong nửa nhiệm kỳ sau, với tư cách là Phó Tổng thống da màu và người Mỹ gốc Á đầu tiên của đất nước, bà đã nâng cao vị thế của mình trong nhiều vấn đề, từ Trung Quốc và Nga đến Gaza và trở thành người được nhiều nhà lãnh đạo thế giới biết đến.
Hiện cố vấn an ninh quốc gia của bà là Philip Gordon, một chuyên gia về châu Âu và có nhiều kinh nghiệm về Trung Đông, từng phục vụ trong chính quyền Obama và Clinton. Ngược lại với các cố vấn của ông Donald Trump, các cố vấn hàng đầu của bà Harris là những người theo “chủ nghĩa truyền thống” và “chủ nghĩa quốc tế” - ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ sau Thế chiến II.
Trên cơ sở đó, các nhà phân tích dự đoán, bà Harris sẽ tiếp tục với những mục tiêu đối ngoại dưới thời Tổng thống Joe Biden. Một chính quyền dưới thời bà Harris có thể sẽ ủng hộ nỗ lực của Ukraine; cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ cho Israel và các đồng minh khác ở Trung Đông; đồng thời tiếp tục các sáng kiến nhằm tăng cường liên minh ở châu Á và Thái Bình Dương.
Ông Aaron David Miller, cựu chuyên gia đàm phán Trung Đông cho các chính quyền Dân chủ và Cộng hòa cho biết: "Bà ấy sẽ năng nổ hơn nhưng có một điều chắc chắn - đó là sẽ không có sự thay đổi mang tính bước ngoặt ngay lập tức nào so với chính sách đối ngoại dưới thời ông Biden". Ví dụ, bà Harris đã phát đi tín hiệu rằng bà sẽ không đi chệch khỏi sự ủng hộ kiên định của ông Biden đối với NATO và sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine. Điều đó trái ngược hoàn toàn với cam kết của cựu Tổng thống Trump về việc thay đổi cơ bản mối quan hệ của Mỹ với NATO và khả năng ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev.
Ukraine: cam kết hỗ trợ mạnh mẽ
Giống như ông Biden, bà Harris là người ủng hộ mạnh mẽ Ukraine và chắc chắn sẽ tiếp tục với các chính sách của mình. Vào tháng 6, bà Harris đã đại diện cho Hoa Kỳ tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine, nơi bà có cuộc gặp lần thứ 6 với Tổng thống Zelensky. Bà đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong việc hỗ trợ Kiev.
Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News, bà cho biết, Ukraine có thể tiếp tục trông cậy vào sự hỗ trợ từ Washington khi cuộc chiến kéo dài. "Ukraine cần sự hỗ trợ của chúng ta. Và chúng ta phải hỗ trợ". Tại Hội nghị An ninh Munich năm nay, bà cũng nhắc lại lời cam kết của chính quyền Biden về việc hỗ trợ Ukraine "cho đến chừng nào còn cần thiết".
Ủng hộ Israel, thông cảm với Palestine
Mặc dù với tư cách là Phó Tổng thống, bà chủ yếu đồng tình với chính sách của ông Biden khi ủng hộ quyền tự vệ của Israel sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas, nhưng vào tháng 3 vừa qua, bà Harris trở thành nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên trong chính quyền Mỹ kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức cũng như chỉ trích gay gắt cách Israel xử lý các luồng viện trợ vào Dải Gaza. Bà mô tả cuộc xung đột là một "thảm họa nhân đạo" đối với những thường dân vô tội.
Các nhà phân tích cho biết, ngôn ngữ của bà Harris làm dấy lên khả năng bà sẽ có lập trường cứng rắn hơn. Nhưng các nhà phân tích không mong đợi sẽ có sự thay đổi lớn trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Israel, đồng minh thân cận nhất của Washington ở Trung Đông.
Tariq Habash, người từng là cố vấn chính sách của ông Biden tại Bộ Giáo dục cho biết, ông "lạc quan một cách thận trọng" rằng bà Harris sẽ sẵn sàng cân nhắc những thay đổi chính sách theo hướng tập trung vào quyền con người của người Palestine. Còn ông Josh Paul, cựu quan chức Bộ Ngoại giao nhận định, bà Harris có vẻ "ít cứng nhắc" về chính sách với Israel nhưng thừa nhận, các tổng thống Hoa Kỳ khó có thể làm gì khác để thay đổi chính sách đối với Israel trong ngắn hạn. “Tôi lạc quan một cách thận trọng nhưng cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng, ứng cử viên của đảng Dân chủ sẽ không khiến chúng ta trở thành đồng lõa trong những tội ác ở Trung Đông”, ông Josh Paul nói.
Iran: mối quan hệ là một ẩn số
Jonathan Panikoff, cựu phó quan chức tình báo quốc gia phụ trách Trung Đông của Chính phủ Mỹ cho biết, chương trình hạt nhân của Iran có thể là một thách thức lớn ban đầu đối với chính quyền Harris, đặc biệt là nếu Tehran quyết định thử thách nhà lãnh đạo mới của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc gia Trung Đông vừa có Tổng thống mới theo chủ nghĩa cải cách lên nắm quyền, mối quan hệ giữa Washington và Tehran dưới thời bà Harris có thể sẽ là một ẩn số thú vị.
Cũng như ông Biden, bà Harris là người ủng hộ Kế hoạch Hành động Toàn diện chung năm 2015 mang tính lịch sử của các cường quốc với Iran mà cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi. Tuy nhiên, dưới thời ông Biden, sau những nỗ lực không thành công, ông Biden tỏ ra không còn mặn mà với việc thúc đẩy Iran quay lại bàn đàm phán. Với tư cách tổng thống, bà Harris khó có thể đưa ra bất kỳ động thái quan trọng nào nếu không có dấu hiệu rõ ràng cho thấy Iran sẵn sàng nhượng bộ.
Mặc dù vậy, Panikoff, hiện làm việc tại tổ chức tư vấn Atlantic Council ở Washington, cho biết: "Có mọi lý do để tin rằng tổng thống tiếp theo sẽ phải giải quyết vấn đề Iran. Đây chắc chắn sẽ là một trong những vấn đề lớn nhất".
Trung Quốc: cạnh tranh và hợp tác
Về Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng, bà có thể sẽ duy trì lập trường của ông Biden là “cạnh tranh với Bắc Kinh khi cần thiết đồng thời tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác”.
Với tư cách là một thượng nghị sĩ, bà từng chỉ trích cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với Bắc Kinh: ông Trump "đã thua cuộc chiến thương mại đó" và rằng chính sách thuế quan của ông gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ trong khi không giúp cân bằng lại mối quan hệ Mỹ - Trung.
Nhưng giống như các quan chức khác, bà Harris ủng hộ cách tiếp cận "giảm thiểu rủi ro" - một chính sách khuyến khích hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế Mỹ vào Trung Quốc. “Vấn đề không phải là rút lui mà là bảo đảm rằng chúng ta đang bảo vệ lợi ích của người Mỹ”, bà Harris cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CBS năm ngoái. Khi đang là Phó Tổng thống, bà Harris đã có cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2022, tại đó bà thúc giục ông "duy trì các kênh liên lạc mở để quản lý có trách nhiệm mối quan hệ cạnh tranh giữa hai nước”.
Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton tại Viện Brookings Ryan Hass nhận định, dù Đảng Cộng hòa hay Dân chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11, Bắc Kinh đều không thấy bất kỳ lợi thế nào. Bởi "họ coi cách tiếp cận chính sách của cả hai đảng đều là vấn đề đối với lợi ích và mục tiêu của họ", ông Ryan Hass cho biết.
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: tăng cường can dự
Trong thời gian làm Phó Tổng thống, bà Harris đã thực hiện một số chuyến đi nhằm thúc đẩy quan hệ của Mỹ ở khu vực năng động về kinh tế này, bao gồm chuyến thăm đến Jakarta vào tháng 9.2023 để thay mặt ông Biden dự Hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong chuyến thăm, bà Harris khẳng định sự ủng hộ đối với việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, dựa trên luật lệ; tái khẳng định cam kết lâu dài của Mỹ ở khu vực.
Bà cũng từng thay ông Biden có các chuyến công du tới Nhật Bản và Hàn Quốc, những đồng minh quan trọng của Mỹ, vốn lo ngại về cam kết của Chính quyền Trump đối với an ninh của họ.
Cộng sự cấp cao của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington Murray Hiebert cho biết, bà Harris đã chứng minh với khu vực sự nhiệt tình thúc đẩy trọng tâm của ông Biden ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mặc dù bà Harris không thể sánh được với "khả năng ngoại giao" mà Biden đã phát triển trong nhiều thập kỷ, nhưng "bà ấy đã làm rất tốt", ông nói thêm.