Thói quen đơn giản ở độ tuổi trung niên có thể giúp phòng tránh bệnh Alzheimer
Theo các chuyên gia, việc tuân thủ các hướng dẫn về hoạt động thể chất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có liên quan đến việc giảm sự tích tụ beta-amyloid, một loại protein liên quan đến bệnh Alzheimer.
Bệnh Alzheimer là một căn bệnh gây ra tình trạng mất trí nhớ, mất các chức năng nhận thức, làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống và làm việc của người bệnh. Thống kê cho thấy trên thế giới có ít nhất 50 triệu người đang sống chung với bệnh Alzheimer hoặc các hội chứng sa sút trí tuệ khác. Theo Liên Hợp Quốc, con số này nhiều hơn dân số của Columbia, và nếu không có những đột phá trong việc chẩn đoán và hạn chế bệnh, tỷ lệ này có thể vượt quá 152 triệu người vào năm 2050.

Trong nỗ lực nghiên cứu phòng tránh bệnh Alzheimer, một phát hiện được công bố trên tạp chí Alzheimer's & Dementia cho thấy: tăng cường hoạt động thể chất trong độ tuổi từ 45 đến 65 có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Ngược lại, lối sống ít vận động trong giai đoạn này có thể gây hại cho sức khỏe não bộ.
Theo ước tính, 13% các trường hợp mắc bệnh Alzheimer trên toàn thế giới là do ít vận động. Để giảm tình trạng này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo người lớn trong độ tuổi từ 40-65 nên vận động khoảng 150 đến 300 phút với cường độ vừa phải - hoặc 75 đến 150 phút vận động mạnh – mỗi tuần.

Tập thể dục thường xuyên vốn được coi là biện pháp giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và tinh thần. Đây cũng là 2 yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng, hoạt động thể chất cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến những thay đổi của não bộ liên quan đến căn bệnh này.

Lợi ích của hoạt động thể chất với não bộ
Bà Müge Akıncı, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại tại Viện Y tế Toàn cầu Barcelona (ISGlobal) thông tin: “Chúng tôi đã tiến hành theo dõi trong 4 năm đối với những người trung niên ở Catalonia có tiền sử gia đình mắc bệnh Alzheimer. Chúng tôi đánh giá những thay đổi trong hoạt động thể chất của họ, các xét nghiệm chụp ảnh thần kinh để phân tích tác động của việc tập thể dục lên cấu trúc và chức năng não”.
Những người tham gia được phân loại thành những người tuân thủ (đáp ứng các khuyến nghị của WHO), những người không tuân thủ (hoạt động thể chất ít hơn thời gian khuyến nghị) và những người ít vận động (hoàn toàn không tập thể dục).

Beta-amyloid là một loại protein có thể làm suy yếu giao tiếp thần kinh khi tích tụ trong não, và được coi là dấu hiệu bệnh lý đầu tiên của bệnh Alzheimer. Những người tham gia nghiên cứu tăng hoạt động thể chất để đạt được mức khuyến nghị của WHO đã cho thấy sự tích tụ beta-amyloid ít hơn những người ít vận động hoặc không hoạt động thể chất. Hoạt động càng tăng thì gánh nặng amyloid càng giảm.
Những người tham gia vận động ít, dù chưa đủ mức khuyến nghị, cũng cho thấy độ dày vỏ não lớn hơn ở các vùng não liên quan đến bệnh Alzheimer. Độ dày vỏ não ở vùng thái dương giữa rất quan trọng đối với trí nhớ, do đó, tình trạng mỏng đi hoặc teo đi là dấu hiệu sớm của thoái hóa thần kinh.

Bà Müge Akıncı giải thích: “Ngay cả những người ít vận động hơn mức khuyến nghị cũng có độ dày vỏ não lớn hơn những người ít vận động, điều này cho thấy bất kỳ hoạt động thể chất nào, dù ít đến đâu, cũng đều có lợi cho sức khỏe”.
Tập thể dục nhiều hơn để phòng ngừa
Nhóm nghiên cứu đã xem xét cả sự gia tăng hoạt động thể chất và việc tuân thủ các khuyến nghị của WHO. Họ nhận thấy rằng lợi ích của hoạt động thể chất dường như liên quan đến việc người tham gia tăng thời gian hoạt động theo thời gian, thay vì đạt đến ngưỡng hoạt động cụ thể.
“Những phát hiện này củng cố tầm quan trọng của việc thúc đẩy hoạt động thể chất ở độ tuổi trung niên như một chiến lược y tế cộng đồng để phòng ngừa bệnh Alzheimer”, nhà nghiên cứu chính Eider Arenaza-Urquijo nhấn mạnh. “Các biện pháp can thiệp nhằm thúc đẩy mọi người tăng cường hoạt động thể chất có thể là chìa khóa để giảm tỷ lệ mắc bệnh này trong tương lai”.