Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 2 với 31 doanh nghiệp.
Đáng chú ý, danh sách thoái vốn xuất hiện những doanh nghiệp quy mô lớn và 8 đơn vị đang giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán bao gồm: Tập đoàn FPT (FPT), Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP), Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang - Agifish (AGF), Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (SMA), Xây dựng Vật liệu Bến Tre (VXB), Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng Hải Phòng (CID)...
Thương vụ có giá trị thoái vốn lớn nhất của SCIC trong đợt này là tại FPT khi SCIC đang sở hữu 5,8% vốn, tương đương 635 tỷ đồng. Với giá thị trường là 137.000 đồng/cổ phiếu, nếu bán hết toàn bộ, giá trị thương vụ có thể hơn 8.500 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, SCIC còn thoái vốn tại NTP với tỷ lệ 37,1% tương ứng với 480 tỷ đồng. Với thị giá 42.800 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phần này có giá trị thị trường vượt 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các thương vụ thoái vốn có giá trị lớn của SCIC trong đợt này có thể kể đến Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VGV) tỷ lệ 87,3% với giá gốc 312 tỷ đồng, Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư Giao thông vận tải (tỷ lệ 97,4%) giá gốc 231 tỷ đồng, CTCP Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên (tỷ lệ 98,8%) giá gốc 139 tỷ đồng,…
Trước đó, trong danh sách thoái vốn đợt 1, SCIC cho biết sẽ thoái vốn khỏi 27 doanh nghiệp, với nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), Sách Việt Nam - Savina (VNB), Thủy sản Việt Nam - Seaprodex (SEA), Nhựa Việt Nam (VNP), Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC)...
Tuy nhiên đến nay, SCIC chỉ mới bán vốn thành công tại Tập đoàn Vinacontrol (VNC) và CTCP Phim truyện 1.
Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của SCIC, tổng công ty này đạt doanh thu hơn 7.100 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu từ các khoản đầu tư của doanh nghiệp này giảm 92% còn gần 120 tỷ đồng; doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia giảm hơn 29% còn gần 5.400 tỷ đồng;
Nhờ lợi nhuận gộp tăng và khoản lỗ trong công ty liên kết giảm từ gần 3.400 tỷ đồng về còn hơn 1.700 tỷ đồng, SCIC báo lãi trước thuế hơn 5.600 tỷ đồngnăm ngoái, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ tại một hội nghị đầu năm nay, ông Nguyễn Chí Thành, lãnh đạo SCIC cho biế, danh mục hiện nay của SCIC không còn nhiều doanh nghiệp hiệu quả, số lượng, giá trị doanh nghiệp tiếp nhận cũng không lớn.
"SCIC cần thiết tăng đầu tư, chuyển mô hình hoạt động thành tổ chức tài chính thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ", ông Thành nói. Theo SCIC, tính đến thời điểm đầu năm 2024, danh mục của SCIC còn 113 doanh nghiệp, ngoại trừ 12 doanh nghiệp nắm giữ theo dự thảo Đề án cơ cấu lại SCIC, phần lớn còn lại là những doanh nghiệp kém hiệu quả, khó bán vốn.