Dinh dưỡng là yếu tố quyết định tới tăng trưởng chiều cao
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, công tác dinh dưỡng học đường là thực sự cần thiết, cần được chú trọng. “Bây giờ chúng ta xác định sự cần thiết này có lẽ hơi muộn, nhưng thà muộn còn hơn vẫn tiếp tục chậm trễ”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, bàn đến công tác dinh dưỡng học đường có nghĩa đang nói đến giai đoạn có thể quyết định sự trưởng thành về cả trí tuệ, tầm vóc của con người. Khoa học đã chứng minh, độ tuổi phát triển về tầm vóc, chiều cao của con người chủ yếu nằm ở giai đoạn dưới 12 tuổi. Nếu trong thời điểm này, chúng ta bỏ lỡ quá trình đầu tư hoặc đầu tư sai, “cái giá phải trả” sẽ nằm ở độ tuổi trưởng thành.
Bên cạnh đó, khi bàn đến công tác dinh dưỡng học đường, chúng ta không chỉ bàn đến vấn đề sức khỏe thể lực mà cả trí tuệ, tâm hồn. Khi trẻ có một thể chất tốt, khỏe mạnh, việc tiếp thu kiến thức cũng sẽ tốt hơn. “Như vậy, dinh dưỡng học đường là một trong những yếu tố quyết định tới chất lượng giáo dục theo yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo của chúng ta”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay.
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc nâng cao tầm vóc, trí tuệ của người Việt Nam là một trong những mục tiêu rất quan trọng được Đảng, Nhà nước ta đề ra. Trong đó, vấn đề chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em đã được thực hiện nhiều năm, qua nhiều giai đoạn triển khai Chiến lược dinh dưỡng quốc gia.
Đánh giá sau giai đoạn 2011-2020, theo Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2020, chiều cao của người Việt Nam đã có sự thay đổi khá tốt, đạt được mục tiêu đề ra từ năm 2011. Theo đó, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam 18 tuổi đạt 168,1cm, tăng 3,7cm so với năm 2010. Còn chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam 18 tuổi đạt 156,2cm, tăng 2,6cm so với năm 2010.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, nếu nhìn ra thế giới hay ngay cả các nước trong khu vực ASEAN, chiều cao của người Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Điều đó chứng tỏ chúng ta cần tiếp tục nỗ lực. “Giai đoạn thực hiện Chiến lược dinh dưỡng quốc gia 2021-2030, chúng ta cần quyết tâm thực hiện để đạt được mục tiêu cải thiện dinh dưỡng trẻ em là nền gốc, hướng tới việc nâng cao tầm vóc và thể lực cho người dân Việt Nam”, PGS.TS Trương Tuyết Mai nói.
Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, dù có nhiều yếu tố khác góp phần, nhưng dinh dưỡng chính là yếu tố quyết định nhất tới tăng trưởng chiều cao. Chính vì vậy, cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, cả về số lượng và chất lượng (bao gồm tính cân đối, tính đa dạng và tính an toàn, hợp lý), cho tất cả bữa ăn trong ngày.
Thiếu hành lang pháp lý đủ mạnh để triển khai đồng bộ chủ trương, chính sách
Chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong triển khai công tác dinh dưỡng học đường hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD-ĐT cho biết thuận lợi lớn nhất là sự quan tâm của các cấp chính quyền, Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của xã hội, phụ huynh học sinh khi đã nhìn thấy được tầm quan trọng của dinh dưỡng và vận động đối với con trẻ.
Theo đó, vấn đề phát triển thể lực, tầm vóc và dinh dưỡng học đường luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm. Hiện nay, song song với việc triển khai Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, Bộ GD-ĐT cũng đang là đầu mối và tham mưu Chính phủ triển khai 2 Chương trình, Đề án.
Thứ nhất là Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1660/QĐ-TTg ngày 2.10.2021. Đây là chương trình tổng thể về sức khỏe của trẻ em, học sinh, trong đó vấn đề dinh dưỡng học đường là 1 trong 5 nội dung chính của chương trình. Thứ hai là Đề án "Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025" tại Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 8.1.2019.
Bên cạnh đó, đã có sự quan tâm của truyền thông và các tập đoàn, các doanh nghiệp thực phẩm đến công tác an toàn thực phẩm, dinh dưỡng học đường.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, khó khăn hiện nay đối với ngành giáo dục trong triển khai dinh dưỡng học đường, trước hết nằm ở công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp liên ngành ở một số địa phương còn chưa đồng bộ, chưa kiên quyết. Công tác truyền thông về đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tổ chức bán trú còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi. Việc xây dựng thực đơn, chất lượng bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, đủ thành phần chưa được thực hiện tốt, chưa dựa trên nhu cầu năng lượng của lứa tuổi.
Đặc biệt, nguồn nhân lực tổ chức bữa ăn bán trú trong trường học còn thiếu về số lượng và chất lượng (hợp đồng thời vụ, chưa được tập huấn, đào tạo, năng lực tổ chức bữa ăn học đường còn hạn chế).
“Từ việc thiếu nguồn nhân lực sẽ dẫn đến vấn đề xây dựng những bữa ăn chuẩn, đảm bảo dinh dưỡng; triển khai các hoạt động vận động thể lực rất khó khăn, từ đó dẫn đến những khó khăn chung trong công tác dinh dưỡng học đường”, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề cho hay.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhìn nhận, chúng ta vẫn đang thiếu một hành lang pháp lý đủ mạnh để triển khai một cách đồng bộ những chủ trương, chính sách đối với chế độ dinh dưỡng cho người Việt nói chung và cho trẻ em nói riêng. Hiện nay, trên nhiều diễn đàn đã bắt đầu đặt ra vấn đề cần có luật về dinh dưỡng học đường và dinh dưỡng nói chung cho người Việt.
Bên cạnh đó là vấn đề thiếu nguồn lực. “Mỗi chiến lược đặt ra phải có một nguồn lực để thực hiện. Nguồn lực này từ ngân sách của Trung ương, ngân sách địa phương và cả nguồn lực từ xã hội hóa chứ Nhà nước không thể bao quát hết được. Trong thời gian qua, quan điểm của chúng ta rất rõ và đúng, nhưng thực hiện thì thiếu. Chúng ta thiếu về cơ sở vật chất, về thiết bị,...”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho hay.
Một thách thức lớn khác nằm ở vấn đề nhận thức. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng cần phải hiểu đúng, hiểu đủ và thấy rõ được trách nhiệm của từng đối tượng mới có thể làm tốt công tác dinh dưỡng học đường. Chúng ta vẫn đang thiếu sự nhận thức một cách đầy đủ, đồng bộ rằng từ những quy định đã có thì trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu, trách nhiệm của các bộ, ngành đến đâu trong quá trình phối hợp,...
Nhấn mạnh về vấn đề thiếu nhân lực làm công tác dinh dưỡng trong các nhà trường, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, ở cấp học mầm non, những cô nuôi thường được quan tâm khá ít, cơ chế chính sách cho đối tượng này chưa rõ. Trong khi đó, các cô nuôi đáng ra phải được đào tạo một cách bài bản, thậm chí phải là những người rất giỏi về kiến thức dinh dưỡng, thay vì chỉ làm hợp đồng theo cách “được chăng hay chớ”. Ở cấp tiểu học, chúng ta dường như cũng chỉ đang quan tâm nhiều tới việc dạy kiến thức, nhưng việc chăm trẻ, chăm sóc bữa ăn cho trẻ chưa được đề cao.
Từ góc nhìn của đơn vị nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng và cơ cấu bữa ăn người Việt Nam, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết qua các báo cáo hiện nay, rất nhiều trường học tại Việt Nam chưa thể tổ chức bữa ăn học đường. “Đây là vấn đề rất khó, ảnh hưởng đến việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ. Nếu như các gia đình đã bận rộn, việc chăm sóc dinh dưỡng tại gia đình chưa thực sự chu đáo mà trẻ lại không có được những bữa ăn thật tốt ở trường học, rõ ràng là một điều rất thiệt thòi”, PGS.TS Trương Tuyết Mai nói.
Về chất lượng bữa ăn ở những trường đã triển khai bữa ăn học đường, các báo cáo cho thấy cơ bản về phần năng lượng đã làm khá tốt. Tuy nhiên, về chất lượng như các vitamin, khoáng chất trong khẩu phần ăn thường cung cấp chưa đủ, bởi cách xây dựng cơ cấu thực đơn cho bữa ăn chưa đảm bảo tính đa dạng, cách chế biến chưa khiến trẻ hào hứng và thích thú với món rau quả. Hơn nữa, vấn đề giáo dục dinh dưỡng học đường vẫn còn một khoảng trống về mặt kiến thức và thực hành ở ngay cả giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Giải pháp thực thi hiệu quả chính sách dinh dưỡng học đường
Để thực thi hiệu quả chính sách dinh dưỡng học đường Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh việc cần có hành lang pháp lý, tức là phải luật hóa những quy định liên quan tới dinh dưỡng. Như vậy, chúng ta mới có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện một cách tốt nhất, đồng bộ nhất những chính sách về dinh dưỡng nói chung cho người Việt, trong đó có dinh dưỡng học đường.
Thời gian trước mắt khi chưa thể thực hiện luật hóa, để thay đổi nhận thức, từ đó tác động tới thay đổi hành vi, theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, cần tập trung vào một số giải pháp.
Theo đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục theo hướng đồng bộ, trên nhiều kênh khác nhau; triển khai thường xuyên, liên tục mới có thể tác động tới nhận thức xã hội. Với những quy định về cơ chế, chính sách đã có liên quan tới dinh dưỡng học đường, phải quán triệt một cách đầy đủ, rõ ràng: ai, cấp nào, vai nào, trách nhiệm nào,...
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng cần có những hệ thống tài liệu về dinh dưỡng cung cấp đến nhiều đối tượng khác nhau, ở các tầng lớp khác nhau, từ học sinh, phụ huynh, giáo viên đến các nhà quản lý. Với mô hình thí điểm bữa ăn học đường Bộ GD-ĐT đang triển khai, cần dựa vào kinh nghiệm thực tiễn để nhân rộng mô hình này, có những hướng dẫn rất cụ thể tới các trường khi triển khai.
Đặc biệt, nếu chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền mà không làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; không có những chế tài xử lý sai phạm sẽ không thể thực hiện một cách hiệu quả, đem đến thay đổi đồng bộ.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, trong triển khai công tác dinh dưỡng học đường, doanh nghiệp đóng một vị trí, vai trò quan trọng, bởi họ tham gia vào khâu sản xuất, chế biến, cung ứng các thực phẩm vào nhà trường, đến các gia đình và cũng chính là những nhà tài trợ để chúng ta có thể thực hiện các chính sách hỗ trợ bữa ăn cho vùng khó khăn, đối tượng khó khăn.
“Muốn phát huy tốt vai trò của doanh nghiệp trong việc cải thiện dinh dưỡng học đường, tôi nghĩ trước hết cần quay trở lại câu chuyện phải có được hành lang pháp lý để làm sao hoạt động của doanh nghiệp đi đúng quỹ đạo, không chỉ có câu chuyện lợi nhuận mà để họ thực hiện được trách nhiệm đối với xã hội. Những doanh nghiệp chân chính rất cần một môi trường cạnh tranh lành mạnh để phát triển.
Bên cạnh đó, nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, không phải chỉ đòi hỏi trách nhiệm của họ, mà quan trọng là phải có những cơ chế, chính sách giúp cho họ tham gia trực tiếp vào việc thực hiện dinh dưỡng trong trường học. Họ phải có những cơ chế, chính sách thuận lợi để làm tốt các khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD-ĐT cũng bày tỏ mong muốn có một hành lang pháp lý rất chặt chẽ liên quan đến vấn đề dinh dưỡng học đường.
Ông nhấn mạnh, vấn đề dinh dưỡng học đường đã được Đảng và Chính phủ, các bộ ngành rất quan tâm, nhưng hiện nay mới đang ở các Chương trình, Đề án hay chiến lược quốc gia và theo giai đoạn, không được lâu dài và bền vững; cũng chưa có các văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể việc tổ chức, quản lý và giám sát bữa ăn học đường; công tác chăm sóc dinh dưỡng học đường còn nhiều hạn chế.
"Vấn đề dinh dưỡng và bữa ăn học đường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng học tập của học sinh. Vì vậy, với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và quản lý trực tiếp đối với đối tượng học sinh, sinh viên trong trường học, chúng tôi mong muốn Bộ Y tế sớm ban hành tiêu chuẩn dinh dưỡng đối với bữa ăn học đường", PGS.TS Nguyễn Thanh Đề cho hay.
Hiện nay, Bộ Y tế đang là cơ quan chủ trì tham mưu, xây dựng Luật Phòng bệnh. Bộ GD-ĐT đã đề xuất Luật Phòng bệnh sẽ đưa các các Chương, mục, khoản quy định rõ về dinh dưỡng học đường.
Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề cho rằng tiến tới xa hơn nữa cần xây dựng Luật về dinh dưỡng. "Giống như các nước khác, dinh dưỡng học đường đã được đưa vào Luật riêng và triển khai rất hiệu quả. Như vậy mới có cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện và tuân thủ các quy định về dinh dưỡng học đường", ông khẳng định.
Sau 2 năm theo dõi mô hình điểm triển khai bữa ăn học đường ở các cơ sở giáo dục, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề đánh giá việc kêu gọi xã hội hóa và sự tham gia của doanh nghiệp đối với công tác dinh dưỡng học đường rất quan trọng, là một cấu phần trong "3 chân kiềng" để chúng ta đi đến đích của chiến lược dinh dưỡng quốc gia.
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, việc tổ chức bữa ăn học đường là câu chuyện không phải chỉ riêng ngành giáo dục. Để bữa ăn cho trẻ đạt đúng theo tiêu chuẩn như ngành dinh dưỡng khuyến cáo, cần sự nỗ lực, vào cuộc nghiêm túc từ phía chính quyền tại địa phương, các nhà trường cho đến người trực tiếp cung cấp bữa ăn cho trẻ và phụ huynh học sinh.
Với đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác dinh dưỡng, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tích cực tập huấn cũng như đào tạo bổ sung thêm. Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, cần đề cao tiêu chuẩn đối với cán bộ làm công tác dinh dưỡng tại trường học, bao gồm cả vấn đề chuyên môn cũng như cái tâm, trách nhiệm khi làm nghề này.
PGS.TS Trương Tuyết Mai cũng bày tỏ mong đợi các doanh nghiệp thực phẩm sẽ có trách nhiệm thực sự trong việc cung cấp các sản phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn, lành mạnh cho trẻ. Đặc biệt, doanh nghiệp cần thấy được vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin minh bạch, có trách nhiệm về quy trình sản xuất thực phẩm, không quảng cáo quá mức, thiên lệch về sản phẩm.
“Tôi cũng cho rằng, chúng ta phải làm thế nào để giúp các doanh nghiệp đã có uy tín và thực sự đang cung cấp các dòng thực phẩm tốt cho xã hội phải được khuyến khích, được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển”, PGS.TS Trương Tuyết Mai nhấn mạnh.