Lượng phát hành tăng gần 3 lần so với cùng kỳ 2023
Tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững" do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức ngày 16.8,Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư Phạm Đức Sơn cho biết, từ cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều biến động. Liên tiếp các vi phạm đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý khiến niềm tin của nhà đầu tư suy giảm, khối lượng phát hành sụt giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, sau giai đoạn khó khăn, thị trường đã từng bước phục hồi. Theo Bộ Tài chính, luỹ kế 7 tháng năm 2024 đã có 183 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với khối lượng 174,76 nghìn tỷ đồng, gấp 2,78 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đối với hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng, trong 7 tháng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép và phát hành trị giá gần 30.000 tỷ đồng (chưa bao gồm số liệu trái phiếu của công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ). Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ấm dần, ông Phạm Đức Sơn nhận xét.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings, đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã xuất hiện những điểm tích cực. Một số doanh nghiệp bất động sản được tháo gỡ về mặt pháp lý đã phát hành mới trái phiếu. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng, nước sạch, xử lý rác thải... đang có kế hoạch phát hành trái phiếu với kỳ hạn lên tới 10 - 20 năm. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần có chiều sâu và đúng bản chất là kênh huy động vốn trung, dài hạn.
Cũng ghi nhận những diễn biến tích cực từ đầu năm đến nay, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa vào vận hành từ tháng 7.2023 đã giúp tăng thanh khoản cho thị trường, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi và hoạt động ổn định. Mặc dù vậy, thị trường vẫn còn một số hạn chế. Ví dụ, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp có tình hình tài chính không ổn định, thiếu minh bạch về thông tin tài chính. Điều này dẫn đến nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
“Các vụ việc doanh nghiệp vỡ nợ hoặc chậm trả lãi đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. Mặc dù đã có những dấu hiệu cải thiện nhưng sự tăng trưởng của thị trường vẫn còn chậm, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về dòng tiền và sản xuất kinh doanh nên tình hình chậm trả nợ gốc, lãi trái phiếu vẫn còn xảy ra”, ông Hòa nói.
Tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 và 25% vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, theo ước tính của một số đơn vị, bình quân trong vòng 8 năm tới, mỗi năm Việt Nam phải có khoảng 370.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới. Các diễn giả tại hội thảo cho rằng, đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội phát triển của thị trường.
Góp ý giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng, đến hết năm 2024 và cả năm 2025 vẫn phải tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Cùng với đó là hoàn thiện hạ tầng thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm; mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư; hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý, giám sát thị trường.
Cũng theo vị chuyên gia này, bản thân doanh nghiệp, tổ chức phát hành cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn; quan tâm quản lý rủi ro; chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh.
“Hiện nay xếp hạng tín nhiệm chưa được đánh giá đúng mức tại thị trường Việt Nam. Có nhiều quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ quan tâm đến thị trường trái phiếu Việt Nam nhưng không thể rót vốn do yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm”, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings cho biết.
Theo ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, để phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần tăng cường vai trò và trách nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tiến tới yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm, hình thành thói quen và thông lệ sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi phát hành, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Khẳng định tính minh bạch là yêu cầu cốt lõi, quyết định tính chuyên nghiệp, bền vững của thị trường, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho rằng, xếp hạng tín nhiệm chỉ là cấu phần cần thiết song không phải duy nhất để tạo tính minh bạch. Chúng ta có nhiều biện pháp, công cụ để duy trì tính minh bạch, đó là từ nội tại của doanh nghiệp, là kiểm toán, thanh tra/kiểm tra của cơ quan quản lý, hay chế độ báo cáo thông tin bắt buộc... Xếp hạng tín nhiệm là kinh nghiệm được minh chứng ở thị trường quốc tế. Nếu có hạ tầng về xếp hạng tín nhiệm sẽ góp phần giúp tính minh bạch trở nên cao hơn, thị trường phát triển lành mạnh, thực chất hơn.
Bàn về tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, điều này pháp luật không can thiệp được. “Tính chuyên nghiệp tự thân của nhà đầu tư là điều quan trọng, tức là tự ý thức được việc ra quyết định mua bán trái phiếu, vì lợi ích của chính mình để từ đó trở nên chuyên nghiệp hơn”.