Không thể chủ quan
Cho ý kiến về các báo cáo liên quan đến kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri cũng như kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, nội dung các báo cáo đã phản ánh tương đối toàn diện, xác đáng, có số liệu dẫn chứng rõ ràng, đưa ra kiến nghị cụ thể, phù hợp, có căn cứ thực tiễn. Trong đó, các báo cáo đều kèm theo hệ thống phụ lục chi tiết, nhất là báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội được đầu tư kỹ lưỡng, thể hiện sự công phu, trách nhiệm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành trong giải quyết kiến nghị của cử tri. Nhiều vấn đề trong đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân đã được giải quyết và sửa đổi bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tế. Điều này đã góp phần làm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2024 có nhiều kết quả tốt đẹp, vượt qua khó khăn, thách thức của thiên tai, bão lũ, cơ bản đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Đánh giá về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu kiện, tố cáo công dân gửi đến Quốc hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 (ngày 7.10.2022), Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện tại các phiên họp hàng tháng đã được Chính phủ, các bộ, ngành, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao tiếp thu và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Mặc dù kết quả tổng thể năm 2024 giảm so với năm 2023, nhưng tình hình công dân đến nơi tiếp công dân, gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan Quốc hội, Đoàn ĐBQH có chiều hướng giảm, nhưng không thể chủ quan. Lưu ý điều này, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, tình hình khiếu nại, tố cáo có thể vẫn tiềm ẩn những vụ việc phức tạp, khó lường. Vì vậy, các bộ, ngành chức năng như: công an, thanh tra, nội chính, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân... cần quan tâm hơn đến công tác này. Thời gian tới, cần sắp xếp cho có nền nếp, bảo đảm người dân đến phản ánh, khiếu kiện phải có nơi đón tiếp chu đáo, vì đây là tiếng nói của cử tri và Nhân dân.
“Có những vụ việc kéo dài, nhưng phải giải quyết thấu tình đạt lý, tới nơi tới chốn, có tính thuyết phục; phải làm một cách bài bản hơn nữa trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Có giải pháp triệt để ngăn chặn bạo hành, xâm hại trẻ em
Theo dự thảo Báo cáotổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, cử tri và Nhân dân phản ánh băn khoăn, lo lắng về tình trạng bạo hành, xâm hại xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua, nhất là đối với học sinh, đặc biệt là trẻ nhỏ, trẻ em gái tại các cơ sở trông giữ trẻ mẫu giáo, mầm non tư thục, cơ sở bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em. Mặc dù đã được các cơ quan có thẩm quyền tăng cường kiểm tra, phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm nhưng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn xảy ra nhiều vụ việc đau lòng, khiến nhiều gia đình không yên tâm công tác, sản xuất.
Quan tâm đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chỉ rõ, đây không phải là câu chuyện mới nhưng vẫn luôn là gây bức xúc và rất nóng bỏng trong dư luận xã hội”. Do đó, thời gian tới phải có những giải pháp triệt để và hữu hiệu hơn để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em.
Qua tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ cho trẻ em ở nhà trẻ rất được cử tri và các địa phương quan tâm, đề xuất. Những cô nuôi phục vụ về hậu cần trong các trường mầm non đã có chính sách hỗ trợ nhưng cô nuôi ở các lớp nhà trẻ vẫn chưa có, trong khi đó, ở các lớp nhà trẻ này, vấn đề dinh dưỡng cần được ưu tiên hàng đầu. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề nêu trên.
Về xâm hại và bạo hành trẻ em, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu thực tế, thời gian qua vấn đề này có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều vụ việc. Do đó, Chính phủ cần quan tâm hơn đến vấn đề này để hạn chế tối đa các vụ xâm hại trẻ em. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng những cơ quan được giao nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ trẻ em cần dành sự quan tâm sâu sát hơn nữa với công tác này.
Với Quốc hội, thời gian qua đã tiến hành giám sát tối cao về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sát sao hơn trong giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến lĩnh vực này.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ các nội dung trong dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Tám. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổng hợp đầy đủ trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ Tám. Cho biết, dự thảo Báo cáo này còn tiếp tục được bổ sung và gửi xin ý kiến bằng văn bản trước khi trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong báo cáo cần thể hiện rõ hơn góc nhìn, tâm tư, nguyện vọng của người dân, mang tiếng nói của người dân đến với nghị trường Quốc hội.
Đồng thời, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo những vấn đề đã nêu trong các báo cáo và ý kiến phát biểu tại phiên họp một cách quyết liệt hơn, sớm khắc phục để báo cáo với Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước. Đặc biệt, cần có các giải pháp đột phá, nhất là những vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành.