Mắt xích quan trọng trong thực hiện liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
HTX nông nghiệp ở tỉnh Thái Bình có vai trò chủ đạo trong cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ nông dân sản xuất, tăng thu nhập. Đồng thời, còn có vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Toàn tỉnh Thái Bình đến nay có 461 HTX, quỹ tín dụng nhân dân; 1 liên hiệp HTX với hơn 465.000 thành viên. Các HTX, quỹ tín dụng nhân dân phát triển rộng khắp ở các huyện, thành phố. Liên minh HTX tỉnh đã thu hút được 440 thành viên, trong đó có 333 HTX, 85 quỹ tín dụng nhân dân và 22 doanh nghiệp.Đặc biệt, một số HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Những hiệu quả ấy đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân đối với việc tham gia HTX, tổ hợp tác.
Mặt khác, có thể khẳng định, HTX kiểu mới đã trở thành mắt xích quan trọng trong thực hiện liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, là cầu nối giữa hộ gia đình và doanh nghiệp. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các HTX, thời gian qua tỉnh Thái Bình đã có nhiều phương án, giải pháp nhằm nhân rộng, phát triển các mô hình HTX trên địa bàn. Nhờ đó, phong trào HTX ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của chính quyền, nhân dân được nâng lên, số lượng HTX tăng lên đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ… góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh Thái Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình đã xây dựng kế hoạch, triển khai hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 3.2.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước.
Theo đó, tỉnh Thái Bình đã lựa chọn được 3 HTX tham gia thí điểm mô hình HTX kiểu mới hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 gồm: HTX Sản xuất kinh doanh, Dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định; HTX Dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương); HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Điệp Nông (Hưng Hà). Đây là 3 HTX tiêu biểu cho mô hình HTX tích tụ, tập trung ruộng đất có quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, với các tiêu chí chính như HTX tiểu thủ công nghiệp gắn với phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống; HTX đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản.
Thái Bình đã và đang tập trung phát triển HTX nông nghiệp có trình độ quản lý hiện đại, tập trung xây dựng các HTX, liên hiệp HTX gắn với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có lợi thế về sản lượng, chất lượng, có giá trị xuất khẩu lớn, phát triển bám theo chuỗi giá trị của từng ngành hàng, sản phẩm. Hai mô hình HTX mới thành lập tại huyện Kiến Xương là ví dụ điển hình về gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo chất lượng cao.
Khuyến khích, hỗ trợ HTX ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
Để thực hiện mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo phục vụ thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, năm 2021, HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh (Kiến Xương) được thành lập. Từ diện tích 180ha vụ mùa năm 2021, nay đã tăng lên 200ha với trên 1.000 thành viên tham gia sản xuất lúa giống TBR225 và DS1 thương phẩm. Kết quả ngay trong vụ mùa các năm, HTX đã không chỉ sấy cho người dân và các đối tác hàng trăm tấn thóc, liên kết bao tiêu sản phẩm 3-400 tấn thóc mà còn xây dựng thành công thương hiệu gạo chợ Gốc, đưa ra thị trường trên 40 tấn gạo đặc trưng của quê hương, đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
Tại xã Bình Định (Kiến Xương), mô hình nâng cao giá trị sản xuất lúa giống cũng được hình thành, cùng với đó là HTX Thương mại dịch vụ và tiêu thụ nông sản xã Bình Định ra đời. Đây là HTX kiểu mới với 24 thành viên, trong đó các thành viên hầu hết là những người tích tụ ruộng với diện tích lớn ở Bình Định. Ngay từ khi thành lập, HTX đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, quản lý sản xuất tập trung, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất, đem lại thu nhập cao cho thành viên. Qua vụ mùa các năm, giá trị sản phẩm của mô hình so với giá thị trường đã tăng thêm 444.000 đồng/sào.
Đặc biệt, các mô hình Liên hiệp HTX nông dược Thái Bình được thành lập với 4 HTX thành viên gắn kết từ khâu trồng dược liệu, sơ chế, chiết xuất, chế biến, đóng gói hình thành nên chuỗi các sản phẩm được đăng ký nhãn mác, ứng dụng mã truy xuất nguồn gốc tiêu thụ trong các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Tại các xã nông thôn mới, tỉnh Thái Bình đã vận động một số tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất lớn để thành lập HTX nhằm liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân.
Những đóng góp của các HTX này nói riêng và các HTX trong toàn tỉnh nói chung đã được Liên minh HTX tỉnh ghi nhận, tôn vinh trong phong trào phát triển kinh tế tập thể và nhân rộng các mô hình HTX làm ăn hiệu quả tại địa phương. Qua đó, kịp thời động viên, khen thưởng những cách làm hay, những mô hình sáng tạo và hiệu quả. Hiện có 112 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng 3 sao, 4 sao, trong đó có đóng góp 29 HTX nông nghiệp với 33 sản phẩm OCOP.
Liên minh HTX tỉnh Thái Bình cho biết, để kinh tế tập thể, HTX của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX; đẩy mạnh công tác tổ chức hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các HTX; khuyến khích, hỗ trợ những HTX mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Vận động kết nạp thành viên; xây dựng mô hình HTX kiểu mới, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn với chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, nhân rộng các mô hình HTX điển hình tiên tiến, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững...