Theo đó, từ yêu cầu phát triển của các ngành công nghiệp, năm 2021, THACO thực hiện chiến lược phát triển cơ khí thành ngành sản xuất kinh doanh chính, thành lập Tổng công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries) gồm 19 nhà máy, tổng vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng và 4.200 nhân sự, với mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu, đóng góp phát triển ngành cơ khí Việt Nam.
Đây là hướng đi phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thị trường, góp phần tạo sức bật cho ngành cơ khí, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước. Với hướng đi này, THACO Industries đã xác định chiến lược phát triển bền vững bởi đây là ngành công nghiệp “thượng nguồn”, tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo việc làm cho lượng lớn lao động và đặt nền móng cho nhiều ngành công nghiệp khác.
Theo Chủ tịch HĐQT THACO Trần Bá Dương, trước đây, chiến lược của THACO là thông qua ô tô để phát triển cơ khí, công nghiệp phụ trợ nhưng đến nay đã vận hành Tổ hợp Cơ khí tại Chu Lai như một trung tâm cơ khí. Việc thành lập tổng công ty là khởi đầu của những kế hoạch tiếp theo giúp ngành cơ khí và công nghiệp phụ trợ phát triển.
Trung tâm cơ khí của THACO tại Chu Lai hiện là cơ sở cơ khí lớn nhất Việt Nam với đầy đủ thiết bị, lực lượng kỹ sư, công nhân trình độ cao. Trung tâm này sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô; thiết bị trong nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và gia dụng; gia công cơ khí; cung cấp phôi thép, kim loại màu, vật tư, linh kiện; dịch vụ thiết kế và nghiên cứu sản phẩm, thí nghiệm vật liệu và thử nghiệm sản phẩm.
Nếu như phần lớn các doanh nghiệp tập trung vào một vài công đoạn thì THACO Industries phát triển chuỗi giá trị từ R&D, cung cấp vật tư, gia công, xử lý bề mặt đến sản phẩm hoàn thiện, cung ứng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, doanh nghiệp đã thâm nhập vào nhiều thị trường lớn như Mỹ, Úc, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản... Gia công cơ khí năm 2021 tăng gấp đôi năm 2020, nhất là xuất khẩu. Năm 2022, xuất khẩu dự kiến đạt 165 triệu USD.
Để đáp ứng yêu cầu sản xuất với sản lượng lớn, năm 2022, công ty sẽ đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để nâng cấp công nghệ, xây dựng các nhà máy mới, đồng thời thành lập các chi nhánh tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để mở rộng sản xuất kinh doanh.