Đẩy nhanh việc di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm
Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) và dự toán ngân sách của thành phố 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, các đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của thành phố trong triển khai các nghị quyết của Chính phủ; Nghị quyết, Chương trình của Thành ủy và Nghị quyết của HĐND thành phố. Theo đó, kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và phục hồi, các cân đối lớn được bảo đảm, thể hiện ở tăng trưởng cao hơn bình quân chung của các nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao; công tác quy hoạch tiếp tục được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; văn hóa - xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm...
Đáng chú ý, một số đại biểu đề nghị, cần đánh giá kỹ hơn một số chỉ tiêu về kinh tế giảm so với cùng kỳ, đánh giá khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2023; đánh giá các cơ chế, chính sách, kế hoạch của thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư. Đặc biệt, nhiều đại biểu nhấn mạnh, cần đánh giá kỹ hơn tồn tại vướng mắc trong tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp trong nhiều năm, trong khi đó thu ngân sách từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương còn thấp dẫn đến ảnh hưởng cân đối nguồn vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, làm rõ tiến độ và tính khả thi Chương trình phát triển đô thị, công tác cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố; đánh giá việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, hệ thống giao thông kết nối liên vùng; tình trạng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, các trường hợp xử lý vi phạm chưa kịp thời, đặc biệt là khu vực ven sông; việc quản lý, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở chưa thực sự hiệu quả...
Để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 của Thủ đô, các đại biểu HĐND thành phố mong muốn cần có các giải pháp hiệu quả hơn nữa để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng cuối năm. Đồng thời, có giải pháp cân đối nguồn vốn trong việc không hoàn thành việc thu ngân sách từ nguồn về đấu giá đất. Mặt khác, cần đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền; tăng cường giám sát, kiểm tra sau phân cấp; thực hiện có hiệu quả đề án khai thác tài sản công... Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm và các dự án thuộc kế hoạch Đầu tư công của thành phố, đặc biệt là nhóm dự án trọng điểm của thành phố.
Các đại biểu HĐND thành phố cũng mong muốn Hà Nội phải chủ động, có giải pháp xử lý, đẩy nhanh việc di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành, cơ sở gây ô nhiễm tại làng nghề vào các cụm công nghiệp tập trung; đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trường công lập, giảm chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nội và ngoại thành; có các giải pháp để khẩn trương thúc đẩy công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số...
Kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai
Thảo luận và đánh giá về báo cáo đánh giá tình hình thực hiện giữa kỳ và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp thành phố, hầu hết các ý kiến đều thống nhất đề nghị UBND thành phố bổ sung đánh giá việc triển khai kế hoạch đầu tư công gắn với các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế theo nghị quyết Đảng bộ thành phố. Trong đó, phân tích việc cân đối nguồn vốn, thứ tự ưu tiên và các giải pháp cụ thể khi còn nhiều dự án dở dang, nhóm dự án công trình trọng điểm chưa triển khai thực hiện.
Đối với một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, các đại biểu HĐND thành phố cho rằng trên cơ sở Quyết định 922/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố cần nghiên cứu quan tâm đến một số chính sách, như: hỗ trợ khuyến khích xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản; hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp; chính sách hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung...
Riêng đối với Báo cáo về Định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị Đồ án điều chỉnh UBND thành phố, cần đánh giá, phân tích bổ sung vai trò, vị thế của Thủ đô và mối liên hệ vùng trong định hướng Quy hoạch phát triển kinh tế, Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành, lĩnh vực, các tỉnh lân cận gắn với dự báo nhu cầu dân số, vai trò các khu đô thị vệ tinh, khu đô thị phía Tây Vành đai 4, các đề án lên quận của các huyện; hệ thống kết nối giao thông công cộng... Đặc biệt, phải định hướng cụ thể mô hình “Thành phố trong thành phố”, trục cảnh quan sông Hồng - sông Đuống nhằm tháo gỡ vướng mắc để khai thác, phát triển không gian hai bên bờ sông Hồng. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát bổ sung định hướng phát triển không gian ngầm đô thị, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, kiểm soát úng ngập; định hướng phát triển theo các ngành, lĩnh vực, ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng xanh...
Các đại biểu cũng nhất trí với quan điểm của UBND thành phố, cần đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố đã được HĐND chất vấn các kỳ họp gần đây. Trong đó, xác định rõ các nguyên nhân, các mốc tiến độ xử lý và các giải pháp cụ thể đối với các nhóm dự án chậm triển khai. Kiên quyết thu hồi các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai nhiều năm, vi phạm Luật Đất đai, công khai các dự án thu hồi đến các khu dân cư có dự án.