Quốc hội và Cử tri

Tập trung nguồn lực để phổ cập giáo dục mầm non

Hải Thanh 22/05/2025 18:40

Chiều 22/5, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi, ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) đã chỉ ra những bất cập về tỷ lệ trẻ ra lớp, thiếu hụt giáo viên, đặc biệt là chất lượng tại cơ sở tư thục. Từ đó, đại biểu kiến nghị đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung nguồn lực để bảo đảm việc thực hiện phổ cập giáo dục hiệu quả.

Cần giải quyết những " điểm nghẽn"

Bày tỏ sự tán thành, đồng thời nhấn mạnh dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về phổ cập giáo dục mầm non 3 đến 5 tuổi; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định pháp luật hiện hành, ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) khẳng định: Phổ cập giáo dục mầm non là một chủ trương lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến chính sách giáo dục địa phương, đặc biệt trong bối cảnh các địa phương đang nỗ lực xây dựng chính quyền 2 cấp.

b3.jpg
ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Lê Nguyên

Tuy nhiên, để thực hiện tốt phổ cập giáo dục, đại biểu cho rằng cần giải quyết những “ điểm nghẽn” và những vấn đề tồn tại đang cản trở tiến trình này. Dẫn chứng cụ thể về tỷ lệ trẻ 3 tuổi và 4 tuổi ra lớp, ĐBQH Lê Thị Song An cho biết, trong khi tỷ lệ trung bình toàn quốc khá cao (86,3% cho trẻ 3 tuổi và 94,4% cho trẻ 4 tuổi), thì tại Long An, con số này lại thấp hơn đáng kể (63,51% cho trẻ 3 tuổi và 89,65% cho trẻ 4 tuổi). Sự chênh lệch này cho thấy bất cập trong việc huy động trẻ đến trường giữa các vùng miền, địa phương.

Bên cạnh đó, vấn đề thiếu hụt và chất lượng đội ngũ giáo viên cũng là một thách thức lớn. Đơn cử, Long An đang thiếu 189 giáo viên mầm non, mẫu giáo. Dù cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhưng việc bảo đảm đủ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục đến năm 2029 vẫn còn là một chặng đường dài. Đó là chưa kể, tình trạng thừa, thiếu cục bộ và chất lượng tay nghề giáo viên không đồng đều giữa các địa phương, vùng miền.

Bày tỏ sự băn khoăn về hiệu quả của các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, ĐBQH Lê Thị Song An cũng cho rằng: Mặc dù hệ thống này đang phát triển rộng khắp và đóng góp lớn vào việc tạo thuận lợi cho các gia đình lựa chọn môi trường giáo dục cho con em, nhưng chất lượng đội ngũ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại các cơ sở này "thật sự chưa đáp ứng yêu cầu". Đại biểu cho rằng, các chính sách phát triển giáo dục hiện nay chủ yếu tập trung cho các cơ sở công lập, điều này chưa khuyến khích được sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống giáo dục tư thục theo đúng chủ trương xã hội hóa của Chính phủ.

Có chính sách căn cơ căn cơ hơn để phát triển hệ thống giáo dục tư thục

Trước những thực trạng trên, ĐBQH Lê Thị Song An đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Bộ, ngành cần có những chính sách rõ ràng, căn cơ hơn để phát triển hệ thống giáo dục tư thục. Đại biểu tin rằng, nếu thực hiện tốt chính sách cho cơ sở giáo dục tư thục, sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển nền giáo dục Việt Nam, đồng thời giúp tinh giản biên chế viên chức và tiết kiệm ngân sách nhà nước thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi loại hình giáo dục công lập sang tư thục.

Đặc biệt, đại biểu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc phương án triển khai Đề án Phổ cập Giáo dục Mầm non một cách linh hoạt, có phân hóa: Đối với địa bàn, địa phương, vùng kinh tế khó khăn, có tính đặc thù mà công tác xã hội hóa khó triển khai: Cần tập trung nguồn lực để triển khai Đề án Phổ cập giáo dục mầm non. Đối với những vùng có điều kiện tốt, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, chuyển dần các cơ sở mầm non, mẫu giáo công lập sang tư thục, cổ phần hóa.

Theo đại biểu, việc triển khai đồng bộ hai giải pháp này sẽ giúp ngành giáo dục đạt được hai mục tiêu lớn: giảm ngân sách nhà nước, giảm biên chế, đa dạng hóa loại hình giáo dục, khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục, và thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tiến tới phục vụ tốt hơn cho người dân thông qua việc mở rộng các loại hình nhà trẻ, trường mầm non quy mô nhỏ tại các thôn, xã, giúp trường học "gần dân hơn" và huy động trẻ ra lớp dễ dàng hơn.

Ngoài ra, trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang tập trung cho triển khai xây dựng chính quyền 2 cấp và chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, đại biểu Lê Thị Song An cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc lựa chọn thời điểm triển khai phổ cập giáo dục mầm non được phù hợp, nhằm bảo đảm sự đồng bộ và hiệu quả cao nhất.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tập trung nguồn lực để phổ cập giáo dục mầm non
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO