Quy mô tín dụng xanh vẫn khiêm tốn
Theo TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và bảo đảm an toàn, công bằng về xã hội. Tại COP26, 147 quốc gia đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ XXI. Đến hết năm 2022 đã có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành chiến lược phát thải thấp theo hướng xanh, sạch với tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ XXI.
Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh là chủ trương nhất quán từ nhiều năm nay. TS. Lê Xuân Sang cho rằng, phát triển xanh không chỉ là cam kết chính trị mạnh mẽ của cả quốc gia, mà là mệnh lệnh từ chính thị trường, yêu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm xanh hơn, an toàn hơn; yêu cầu của các nước phát triển; của bên cho vay, cung ứng sản phẩm tài chính…
Để thúc đẩy xanh hóa nền kinh tế, tài chính xanh là phương thức đặc biệt mà các quốc gia trên thế giới đều coi trọng. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần, gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu và trái phiếu xanh.
PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, doanh số tín dụng xanh toàn cầu đã tăng 12 lần trong 5 năm, từ 55,9 tỷ USD vào năm 2018 lên mức 661 tỷ USD vào năm 2023; tại Việt Nam, khung pháp lý cho hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh ngày càng hoàn thiện. Dư nợ tín dụng xanh cải thiện rõ rệt, từ 60.000 tỷ đồng vào năm 2018 đã tăng lên hơn 340.000 tỷ đồng vào năm 2023, tăng trung bình 48,91%/năm, với dự án đa dạng các ngành nghề.
Tuy vậy, quy mô tín dụng xanh vẫn tương đối nhỏ so với tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, hiện chiếm khoảng 4,4%. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. Những con số này rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, dự án xanh, TS. Bùi Thị Quỳnh Thơ, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế, nhận xét.
Sớmhình thành thị trường carbon
Theo Ngân hàng Thế giới (năm 2022), để theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0, Việt Nam cần khoản đầu tư tương đương 6,8% GDP mỗi năm, khoảng 368 tỷ USD, cho đến năm 2040. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm có các giải pháp đột phá trong phát triển thị trường tài chính xanh để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.
Theo TS. Lê Xuân Sang, việc quy hoạch, xây dựng khung pháp lý, quy định đối với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nói chung và thị trường tài chính nói riêng mới ở bước đầu. Việc định giá tài chính xanh vướng mắc do thiếu tiêu chuẩn hóa. Các định chế cho vay, phát hành cũng gặp khó khi khái niệm, quy định chưa chặt chẽ về trái phiếu xanh có thể bị lạm dụng thành trái phiếu “xanh dởm”, “rửa xanh”...
Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với tín dụng xanh, trái phiếu xanh chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành dẫn đến các hạn chế trong việc xác định trình tự, thủ tục, vai trò, trách nhiệm của các bên có liên quan.
Về các giải pháp, TS. Lê Xuân Sang đề xuất, cần xây dựng hữu hiệu, thông tin thị trường, dữ liệu, danh sách trái phiếu/cổ phiếu xanh, với định nghĩa pháp lý rõ ràng; tiêu chí chặt chẽ trong huy động vốn, các khuyến khích hữu hiệu nhằm xây dựng lòng tin, đáp ứng lợi ích, kỳ vọng các nhóm nhà đầu tư. Để phát triển vững chắc và lành mạnh thị trường tài chính xanh, cần xác lập luật chơi cho thị trường, cùng với đó là khai thác hiệu quả thị trường tài chính truyền thống; tạo dựng niềm tin, kỷ luật thị trường trong đó có tính đến bối cảnh mới.
Gợi ý hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh, TS. Nguyễn Bá Hùng, kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần tạo động lực phát triển tài chính xanh. Đồng thời, chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ carbon, hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế.
Ngoài ra, Chính phủ có thể có những bước đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh…
Theo PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, trong thiết kế chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh cần đa dạng hóa các hình thức khuyến khích, không chỉ phụ thuộc vào phương thức hỗ trợ tài chính (giảm lãi suất, gia hạn vay). Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khác như giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức; thay đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài FDI.