Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được thông qua ngày 18.1 và có hiệu lực từ 1.7 đã chú ý nhiều hơn đến vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống; tạo đòn bẩy cho việc tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Luật đề cập đến việc để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cùng tham gia vào quá trình can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng là cần thiết, vừa tận dụng được nguồn lực, vừa thể hiện vai trò và trách nhiệm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đối với người gửi tiền cũng như tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đặc biệt, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 tạo thêm cơ sở cũng như nền tảng pháp lý cho việc tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Theo đó, đối với phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Điều 169 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định: Đối với phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với tổ chức bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng hợp tác xã đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi.
Về biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Điều 171 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định: Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tín dụng khác theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 192 của Luật này…
Về hỗ trợ đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc, Điều 182 quy định, ngân hàng thương mại được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tín dụng khác theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 192 của Luật này.
Trường hợp phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Điều 188 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định: Ban kiểm soát đặc biệt phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, tổ chức bảo hiểm tiền gửi xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Sau khi phương án phá sản được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại tổ chức tín dụng.
Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng hợp tác xã xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt và đề xuất Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại quỹ tín dụng nhân dân.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức bảo hiểm tiền gửi, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng hợp tác xã hoàn thiện phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Như vậy, với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, hạn mức trả tiền bảo hiểm có thể thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm (125 triệu đồng), có thể thực hiện theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng trường hợp cụ thể, tối đa có thể chi trả toàn bộ.
Trong trường hợp chi trả toàn bộ, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi theo hướng đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để có thể đáp ứng nhu cầu chi trả, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.