- Khai mạc Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV
- Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả
- Kịp thời ban hành kế hoạch, văn bản quy định chi tiết triển khai thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội
Tiếp tục chương trình Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, sáng nay, 7.3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Hội nghị đã nghe tham luận của một số bộ, cơ quan ngang bộ, đại diện cộng đồng doanh nghiệp và địa phương về công tác chuẩn bị triển khai các luật, nghị quyết.
Bảo đảm đầy đủ các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết để triển khai thực hiện
Các đại biểu đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, đưa ra thông điệp về việc đẩy mạnh triển khai và tăng cường giám sát thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội. Đây là công việc cần ưu tiên trọng tâm bởi để thi hành pháp luật tốt thì cần phải thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật và giám sát việc thực thi pháp luật. Đó không chỉ là trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ, mà còn là trách nhiệm của các tổ chức, hiệp hội như VCCI.
Cho biết, thời gian qua, VCCI đã rất cố gắng tổng hợp thực tiễn, gửi báo cáo lên Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp để phản ánh những bất cập, vướng mắc còn tồn tại trong các luật, nghị định, thông tư, Phó Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh, Quốc hội, Chính phủ đã rất khẩn trương tiếp thu, hiện tại hầu hết các vấn đề VCCI nêu ra đều đã được phản hồi, giải quyết và thể hiện rõ trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục ưu tiên thực hiện nhiệm vụ này.
Chia sẻ về vai trò của MTTQ Việt Nam trong tham gia ý kiến góp ý, phản biện xã hội đối với công tác xây dựng pháp luật và giám sát thực thi pháp luật, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu nêu rõ, tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội đã thảo luận, thông qua nhiều luật quan trọng có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. MTTQ Việt Nam cũng đã dành công sức, tâm huyết để thảo luận và phản biện khá tốt một số dự thảo luật; đồng thời cũng đã gửi nội dung phản biện đến Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chủ trì soạn thảo.
Nhấn mạnh các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại 2 Kỳ họp, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều quy định mới, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, cần quan tâm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến đông đảo cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân hiểu để thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung mới của Luật. Chính phủ, các Bộ, ngành cần sớm ban hành các nghị định liên quan để hướng dẫn Luật, bảo đảm đầy đủ các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực.
Phó Tổng Thư ký VCCI Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, cần bảo đảm sự thống nhất, nhất quán giữa các luật với các thông tư hướng dẫn thực hiện. VCCI đã tích cực giám sát, đóng góp ý kiến về các văn bản hướng dẫn thực hiện, chú trọng đưa ra các góp ý đối với nhiều nghị định, thông tư của Chính phủ và các bộ, ngành.
Cơ bản giải quyết, tháo gỡ được những vướng mắc tại địa phương
Quan tâm đến Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu rõ, Luật quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê (khoản 4 Điều 80). Đây là quy định mới liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi người lao động và trách nhiệm, vai trò tổ chức công đoàn, góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp.
Chia sẻ thực tiễn tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ nhấn mạnh, trong thời gian tới, nhu cầu về nhà ở công nhân trên địa bàn thành phố là rất lớn. Theo Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. Hải Phòng được giao chỉ tiêu hoàn thành 33.500 căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành 15.400 căn, giai đoạn 2026 – 2030 hoàn thành 18.100 căn.
Luật Nhà ở (sửa đổi) cùng với Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và các nghị định của Chính phủ sắp ban hành sẽ cơ bản giải quyết, tháo gỡ được những vướng mắc của Thành phố trong thời gian tới. Khẳng định như vậy, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng tin tưởng, Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội và chỉ tiêu mà TP. Hải Phòng được giao sẽ thành công, hoàn thành đúng tiến độ.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Ngọ Duy Hiểu cho biết, ngay sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua, Tổng Liên đoàn Lao động đã triển khai nhiều hoạt động, nhất là tuyên truyền, phổ biến các nội dung quy định của luật đến các cán bộ công đoàn chủ chốt, người lao động nhằm nâng cao nhận thức và thống nhất hành động trong hoạt động công đoàn cho vấn đề nhà ở của công nhân.
Cùng với đó, đã chỉ đạo xây dựng quy trình đầu tư xây dựng nhà theo quy định của pháp luật, trong đó bám sát các nội dung mới của Luật và dự thảo Nghị định Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ. Chỉ đạo rà soát các địa phương giới thiệu địa điểm đất cho Tổng Liên đoàn Lao động để tiến hành khảo sát nhu cầu thuê nhà của công nhân để làm cơ sở triển khai công tác lập kế hoạch chi tiết và thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư.
“Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong bối cảnh mới”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định.