Ra mắt thị trường game online Việt Nam vào năm 2013, Gamota (thuộc Appota Group) nhanh chóng được nhiều người biết đến với nhiều tựa game kiếm hiệp nhập vai có cốt truyện của Trung Quốc như: Ỷ Thiên 3D, Hiệp Khách, Tru Tiên… Đến hiện tại, Gamota đã tạo lập một hệ sinh thái game phong phú từ nhập vai chiến thuật, thể thao, cho đến game casual giải trí.
Theo giới thiệu của Gamota, nhà phát hành này hiện đứng trong top 3 phát hành game ở thị trường Việt Nam. với hơn 70 tựa game được ra mắt và sở hữu một cộng đồng game thủ vô cùng lớn mạnh, lên đến hơn 10 triệu user cả ở trong nước và quốc tế.
Sau khi tiến vào top 3 các nhà phát hành game, Công ty mẹ của Gamota là Appota công bố gọi vốn thành công series B từ GMO Global Payment Fund (Nhật Bản) và Golden Gate Ventures vào năm 2014. Trước đó, Appota từng nhận vốn series A từ VNP Group vào khoảng năm 2012. Việc phát triển của Appota ghi dấu ấn đậm nét của ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Appota.
Quá trình phát triển, Gamota đã cho ra đời hàng loạt các đơn vị thành viên để hoàn thiện hệ sinh thái. Trong đó, đáng chú ý là cổng thanh toán game để người dùng nạp tiền mua các vật phẩm và tham gia sự kiện game.
Theo dữ liệu về doanh nghiệp, Gamota đăng ký hoạt động theo loại hình doanh nghiệp cổ phần với ngành nghề chính kinh doanh là dịch vụ giải trí, người đại diện pháp luật là bà Vũ Thị Trang. Nơi đăng ký thuế của Gamota ở tỉnh Bình Định. Gamota có một số văn phòng đại diện và chi nhánh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Gamota hiện tại đang có vốn điều lệ là 80 tỷ đồng.
Về cấu trúc sở hữu, Appota hiện đang sở hữu tới 99,97% Gamota, phần nhỏ còn lại do ông Trần Văn Minh và Đào Tuấn Anh sở hữu.
Mặc dù tự tin khẳng định vị thế của mình trong nhóm dẫn đầu trên thị trường game Việt nhưng thực tế tình hình kinh doanh của Gamota không có nhiều nổi bật nếu không muốn nói đến tình trạng xảy ra thua lỗ và lợi nhuận ít ỏi trong một số năm gần đây.
Cụ thể, trong giai đoạn 5 năm gần đây (2018-2022) doanh thu của Gamota có chiều hướng suy giảm khi đạt gần 370 tỷ đồng năm 2018 nhưng nhanh chóng tụt tuống mốc hơn 260 tỷ sau một năm và suy giảm về mức hơn 320 tỷ năm 2022.
Đáng chú ý, năm 2021, năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc giãn cách xã hội khiến người dân có nhiều thời gian ở nhà để chơi game và tiêu dùng vào các dịch vụ game giúp cho hầu hết các Công ty game đều tăng trưởng mạnh doanh thu. Tuy nhiên, vào năm này, doanh thu của Gamota cũng chỉ được kéo vượt lên mốc ngoài 300 tỷ (vẫn kém xa năm 2018) chứ không thể bứt phá như nhiều nhà phát hành game khác như Garena hay Funtap.
Không chỉ “đi lùi” về doanh thu, lợi nhuận của Garena cũng là câu chuyện đáng quan tâm khi thống kê trong giai đoạn 5 năm gần đây (2018-2022) thì có tới 2 năm Gamota báo lỗ lần lượt là hơn 8 tỷ và hơn 27 tỷ.
Các năm nảy sinh khoản lãi của Gamota cũng chỉ giao động từ 5 tỷ đến dưới 10 tỷ đồng, tương đương với chỉ số ROS của doanh nghiệp loanh quanh ở mức 1,5% đến 3,0%, không quá nổi bật khi so với trung bình ngành.
Nhìn lại lịch sử kinh doanh, Appota cũng từng ngấm đòn khi định “nhăm nhe” miếng bánh eSport. Theo đó, năm 2017, khi nhận diện được tín hiệu tích cực từ thể thao điện tử (eSports) sẽ nhanh chóng trở thành xu hướng tiếp theo trong ngành công nghiệp game, Appota quyết định đầu tư một khoản lớn vào mảng này. Nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là thời điểm và nguồn lực tài chính khiến hiệu quả đầu tư không được như kỳ vọng.
Thất bại đem tới một bài học cho Appota khi nhận ra phát hành một game eSports là không hề dễ. Doanh nghiệp đã nhanh chóng tạm đóng mảng phát hành game eSports, tập trung đầu tư vào mảng livestream eSports.