Giải pháp an toàn cho tín dụng tiêu dùng

- Thứ Sáu, 17/11/2023, 15:19 - Chia sẻ

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo “Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và vấn đề thu hồi nợ hiện nay”. 

Cho vay tiêu dùng suy giảm

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đến cuối tháng 9.2023, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 12.749 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng tiêu dùng của toàn hệ thống đạt khoảng 2.703 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ nền kinh tế. Do đó, đây có thể được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả đối với người dân trong xã hội.

img_5170 (1).jpg -0
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - Nguyễn Quốc Hùng

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và nền kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến hoạt động động cho vay nói chung và đặc biệt là cho vay tiêu dùng nói riêng gặp nhiều thách thức với tỷ lệ tăng trưởng thấp. Đến cuối tháng 9.2023, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống chỉ tăng khoảng 1,53% so với cuối năm 2022 (mức tăng rất thấp so với 5 năm qua). Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ nợ xấu này chỉ trên/dưới 2%), thậm chí tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Phó Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn HD SAISON (HD SAISON) Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, thời gian gần đây, tình trạng khách hàng “bùng nợ” tăng cao, bên cạnh lý do kinh tế suy thoái, bất ổn định còn có lý do chính yếu và không kém quan trọng là sự đánh đồng, hiểu sai của xã hội về mô hình hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống với “tín dụng đen” sau khi phương tiện truyền thông đưa tin về việc cơ quan chức năng kiểm tra, phong tỏa trụ sở làm việc của các công ty tài chính tiêu dùng đã tạo nên sự hiểu nhầm các công ty tài chính này hoạt động phi pháp nên người vay không cần trả nợ.

"Khá nhiều người khi vay tiền có thái độ hạn chế về sự thành thật, không trung thực khai báo thông tin cá nhân và trách nhiệm trong việc hoàn trả khoản vay. Họ không hiểu rõ tầm quan trọng của việc thanh toán đúng hạn, đầy đủ và thậm chí có những suy nghĩ sai lệch và chủ đích gian lận khi làm hồ sơ vay. Bên cạnh đó, tình trạng rủ nhau “bùng nợ tập thể” đã trở thành trào lưu rất tiêu cực tràn lan trên mạng xã hội, khiến nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn trong công tác thu hồi nợ", Phó Chủ nhiệm CLB Tài chính tiêu dùng nói.

Vấn nạn tín dụng đen bùng phát

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân phát sinh nợ xấu còn bắt nguồn từ thực trạng các hình thức tín dụng đen trực tuyến như các trang thông tin điện tử, ứng dụng di động giả mạo, trá hình trên thị trường đang phát triển với tốc độ chóng mặt, gây ra sự hiểu lầm cho khách hàng. Khách hàng rất khó phân biệt được trang thông tin điện tử/ứng dụng di động giả mạo với trang thông tin điện tử/ứng dụng di động chính thống của công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thành lập và hoạt động, từ đó nhiều khách hàng lo lắng và chưa sẵn sàng thanh toán nợ vay.

image0 (1) (1).jpeg -0
Toàn cảnh Hội thảo

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) Bùi Đức Tài cho biết, lợi dụng tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, tội phạm tín dụng đen đã có những diễn biến phức tạp. Cụ thể, các đối tượng người nước ngoài (Trung Quốc, Nam Phi, Nga, Latvia) đến Việt Nam thành lập, thu mua, thuê người đứng tên doanh nghiệp có chức năng cầm đồ, tư vấn, kinh doanh tài chính, tuyển dụng nhân viên để sử dụng các ứng dụng, website cho vay lãi nặng với lãi suất trên 1000%/năm, sau đó móc nối với một số nhân viên ngân hàng, công ty trung gian thanh toán, ví điện tử để giải ngân, thu hồi các khoản vay.

Bên cạnh đó, một số đối tượng núp bóng doanh nghiệp, công ty luật, công ty tài chính mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi của các app cho vay, công ty tài chính, ngân hàng sau đó gọi điện đe dọa, cưỡng đoạt tài sản với 3 cấp độ: thứ nhất, gọi điện chửi bới, đe dọa khách hàng trả tiền; thứ hai, gọi điện đe dọa sẽ giết người thân, ghép hình tung lên mạng xã hội để bôi nhọ, đe dọa cho mất việc làm; thứ ba, mang quan tài đến nhà, cơ quan, tổ chức, đặt bình ga, xăng dọa cho nổ cơ quan, nhà ở...),..

z4886296142166_23dd51219a6097ed76203f1c583ea401.jpg -0
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) Bùi Đức Tài

Ông Tài đã kiến nghị Hiệp hội Ngân hàng hướng dẫn, khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng thành viên 5 giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Đó là tăng cường các hoạt động tuyên truyền cho các nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng trong chấp hành các quy định của pháp luật và ngành ngân hàng; chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật dữ liệu, thông tin cá nhân liên quan. 

Rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra điều kiện hoạt động, việc chấp hành các quy định của các ngân hàng, tổ chức tín dụng để chấn chỉnh các hạn chế, sơ hở liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm.

Khắc phục sơ hở trong quy định, quy trình nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của các bộ phận thu hồi nợ, xử lý nợ xấu; nghiêm cấm các hành vi ký kết các hợp đồng biến tướng với các doanh nghiệp khác để giải ngân cho vay, mua bán nợ, đòi nợ thuê; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu để xác thực, làm sạch và loại bỏ tài khoản ngân hàng "ảo"; hỗ trợ ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính chính thống rút ngắn thời gian, thủ tục cấp tín dụng cho người dân góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nói chung, phòng chống hoạt động tín dụng đen nói riêng. 

Phối hợp, cung cấp các thông tin có liên quan đến các hành vi cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản các hành vi khác có dấu hiệu tội phạm do ngành ngân hàng phát hiện để xử lý.

Trang Nhung
#