Có thể nói, thức đêm để học bài là một trong những phương pháp tệ nhất mà học sinh thường áp dụng trong việc nâng cao điểm số của mình.
Vào tháng 10.2019, hai giáo sư của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ (MIT) đã tìm thấy mối tương quan giữa giấc ngủ và kết quả học tập. Kết quả nghiên cứu cho thấy sinh viên ngủ càng ít, có điểm số càng kém.
Vậy tại sao giấc ngủ lại ảnh hưởng đến điểm thi? Mặc dù câu trả lời nghe có vẻ đơn giản, rằng học sinh sẽ làm bài tốt hơn khi không bị mệt mỏi về tinh thần hoặc thể chất. Nhưng sự thật có thể phức tạp và thú vị hơn nhiều.
Trong 20 năm qua, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng đến khả năng làm bài, mà còn ảnh hưởng đến khả năng học, ghi nhớ, lưu giữ, nhớ lại và sử dụng kiến thức mới để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
Giấc ngủ cải thiện khả năng học hỏi như thế nào?
Khi tìm hiểu về các sự kiện và thông tin, hầu hết những kiến thức chúng ta học được đều lưu trữ tạm thời trong một vùng não gọi là hồi hải mã. Một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, giống như hầu hết các trung tâm lưu trữ, vùng hải mã có khả năng lưu trữ hạn chế. Điều này có nghĩa là, nếu hồi hải mã đã đầy và chúng ta cố gắng nhồi nhét thêm thông tin, chúng ta sẽ không thể ghi nhớ được.
Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học cũng đưa ra giả thuyết rằng giấc ngủ, đặc biệt là giấc ngủ sâu có vai trò nâng cao khả năng học hỏi của chúng ta. Trong một nghiên cứu, 44 người đã nghiêm túc học tập trong 2 buổi học được chia vào các khoảng thời gian là buổi trưa và buổi chiều trong ngày.
Một nửa nhóm được phép ngủ trưa, trong khi nửa còn lại tham gia, tập trung liên tục không nghỉ ngơi giữa các buổi học. Kết quả cho thấy, nhóm ngủ trưa giữa các buổi học sẽ học tập hiệu quả đến tận 6 giờ tối y như các họ đã làm việc năng suất vào buổi trưa. Tuy nhiên, nhóm không ngủ trưa lại giảm đáng kể khả năng tập trung và học tập
Giấc ngủ cải thiện khả năng ghi nhớ thông tin như thế nào?
Trong những thế kỷ trước, các nhà khoa học đã thử nghiệm lý thuyết: Ngủ sâu sau một đêm sẽ làm tăng đáng kể sức mạnh của trí nhớ nhiều lần và thường nhận thấy giấc ngủ giúp cải thiện khả năng ghi nhớ và hồi tưởng ký ức từ 20 - 40%.
Giấc ngủ giai đoạn 3 (còn gọi là giấc ngủ sóng não chậm) đặc biệt quan trọng đối với việc cải thiện khả năng ghi nhớ và nhớ lại.
Giấc ngủ cải thiện trí nhớ dài hạn như thế nào?
Theo Matthew Walker, giáo sư khoa học thần kinh và tâm lý học tại UC Berkeley, chỉ ra rằng sóng não chậm của giấc ngủ "đóng vai trò như một dịch vụ chuyển phát nhanh", vận chuyển ký ức từ hồi hải mã đến các vị trí lưu trữ lâu dài hơn khác.
Giấc ngủ cải thiện khả năng sáng tạo như thế nào?
Nhiều bài kiểm tra được thiết kế để đánh giá tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo. Giấc ngủ REM (giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh), đóng một vai trò trong việc tăng cường các kỹ năng này. Các nhà khoa học đã kiểm chứng tác động của giấc ngủ REM đối với khả năng giải các câu đố đảo chữ (ví dụ các câu đố chữ như “EOUSM” - “MOUSE”). Các câu đố này đòi hỏi người tham gia có khả năng tư duy sáng tạo mạnh mẽ và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Những người thức dậy sau giấc ngủ sâu, họ có thể giải được nhiều câu đố hơn từ 15 đến 35% so với khi thức dậy từ giấc ngủ nông. Họ cũng hoạt động sôi nổi, tích cực hơn 15 đến 35% so với khoảng thời gian học tập giữa ngày. Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp.
Không nên thức khuya để học
Nghiên cứu về giấc ngủ trong 20 năm qua chỉ ra rằng giấc ngủ không chỉ đơn giản là cung cấp cho sinh viên năng lượng cần thiết để học tập và thực hiện tốt các bài kiểm tra. Giấc ngủ thực sự giúp học sinh học, ghi nhớ, lưu giữ, nhớ lại và sử dụng kiến thức mới để đưa ra các giải pháp sáng tạo và đổi mới.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu của MIT kết luận rằng nếu muốn cải thiện điểm thi, sinh viên phải ưu tiên giấc ngủ của mình trong toàn bộ quá trình học tập. Thức khuya để học sẽ không mang lại hiệu quả, thiếu ngủ chỉ khiến tinh thần và thể chất trở nên kiệt quệ. Thiếu ngủ lâu ngày sẽ dẫn đến nhiều hậu quả về trí nhớ cũng như khả năng học hỏi.
(Nguồn: https://www.med.upenn.edu)