Tỷ lệ trẻ em bị phơi nhiễm thuốc lá đang khá cao, chuyên gia đề xuất 4 giải pháp

- Thứ Năm, 25/05/2023, 06:11 - Chia sẻ

Một điều tra sức khỏe học sinh cho thấy, trong vòng một tuần, tỷ lệ trẻ có phơi nhiễm với thuốc lá, tức là hít phải khói thuốc chiếm đến 2/3 số được khảo sát (66%). Có nghĩa cứ 3 em thì có 2 em trong vòng 7 ngày đã hít phải khói thuốc lá.

Thuốc lá lấy đi các nguồn lực chủ yếu dành cho trẻ em

Chia sẻ tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23.5, ThS.BS Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HealthBridge cho biết, Tổ chức Y tế thế giới đã minh chứng rằng, thuốc lá đe dọa sức khỏe sống còn, sự phát triển của trẻ em. Trong thuốc lá có tới hơn 7.000 chất độc và rất nhiều chất gây ung thư.

Đặc biệt, thuốc lá ảnh hưởng đến trẻ em trong suốt quá trình từ lúc các em nằm trong bụng mẹ đến lúc lớn lên. Người mẹ mang thai sử dụng thuốc lá sẽ làm tăng khả năng sảy thai và tử vong thai nhi. Cha mẹ hút thuốc khi ở nhà sẽ làm tăng tỷ lệ trẻ bị các bệnh hô hấp.

Cũng theo bà An, việc sử dụng thuốc lá lấy đi các nguồn lực chủ yếu dành cho trẻ.

“Chúng ta thấy con số rất sốc: 49.000 tỷ đồng mỗi năm đáng lẽ cần dành cho trẻ em, cho dinh dưỡng, cho giáo dục thì những ông bố, bà mẹ bỏ ra mua thuốc lá. Hay 24.000 tỷ đồng đã phải bỏ ra cho việc đi bệnh viện, thay vì sống cuộc sống khỏe mạnh.

Chúng ta có thể nhìn thấy một vòng xoáy: việc tăng sử dụng thuốc lá làm giảm ngân sách của gia đình, tăng bệnh tật cũng làm giảm ngân sách của gia đình, cuối cùng dẫn đến đói nghèo”, bà An nhấn mạnh.

Bảo vệ trẻ em khỏi thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn, chuyên gia đề xuất 4 giải pháp -0
ThS.BS Nguyễn Thị An - Giám đốc Tổ chức HealthBridge (Ảnh: Nguyễn Liên)

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em bị phơi nhiễm thuốc lá đang khá cao. Một điều tra sức khỏe học sinh do Tổ chức Y tế thế giới phối hợp cùng Bộ GD-ĐT thực hiện năm 2019 cho thấy, trong vòng một tuần, tỷ lệ trẻ có phơi nhiễm với thuốc lá, tức là hít phải khói thuốc chiếm đến 2/3 số được khảo sát (66%). Có nghĩa cứ 3 em thì có 2 em trong vòng 7 ngày đã hít phải khói thuốc lá.

Trong khi đó, việc các em hít phải khói thuốc lá hằng ngày lên đến 15,6% - là tỷ lệ rất cao.

Bà An cho biết, sử dụng thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) ở giới trẻ đang có xu hướng tăng.

Năm 2019, một cuộc điều tra về tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh 13 -17 tuổi cho thấy có 2,6% trong nhóm khảo sát đã sử dụng. Đến năm 2021 - 2022, tỷ lệ này tăng lên 3,5%. Đặc biệt, tại các thành phố lớn, một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy có nơi tỷ lệ này lên đến 8,35%.

ThS.BS Nguyễn Thị An nhấn mạnh, dù thuốc lá thế hệ mới chỉ mới xuất hiện, chưa được phép lưu hành, nhưng tỷ lệ sử dụng đã cao hơn thuốc lá truyền thống. Đặc biệt, tỷ lệ nữ giới sử dụng loại thuốc lá này rất cao. Trong khi đó, thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Do đó, nếu thế hệ này sử dụng, thế hệ sau cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi thuốc lá.

“Tổ chức Y tế thế giới khẳng định, tất cả các loại thuốc lá gồm cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại. Chưa có bằng chứng nào chứng minh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn những chất khác, bởi thuốc lá đều có thành phần nicotine. Đây là chất gây nghiện, sẽ tác động rất mạnh đối với trẻ em, đặc biệt là những đứa trẻ hệ thần kinh chưa trưởng thành”, ThS An nói.

Lý do việc bảo vệ trẻ em khỏi thuốc lá gặp nhiều khó khăn

ThS.BS Nguyễn Thị An cho biết, hiện nay, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và Chính phủ Việt Nam đều có những quy định để kiểm soát, ngăn chặn, bảo vệ trẻ em khỏi thuốc lá.

Theo đó, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em đã quy định rất rõ cần dùng các biện pháp hành pháp, tư pháp ngăn chặn trẻ em sử dụng  rượu bia, thuốc lá và các chất gây nghiện khác. Trong đó, cần có các giải pháp phòng ngừa và giáo dục các em.

Điều 3 Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định: Trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em, dù được thực hiện bởi các cơ quan phúc lợi xã hội của Nhà nước hay tư nhân, bởi tòa án, các nhà chức trách hành chính hay cơ quan pháp luật, thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu.

“Do đó, không thể nào nói rằng chúng ta đặt lợi ích của ngành công nghiệp hay lợi ích kinh tế lên trên, mà cần đặt lợi ích tốt nhất cho trẻ em lên hàng đầu. Bởi trẻ em là tương lai của đất nước, là tương lai của cả thế giới”, bà An nêu quan điểm.

Tại Việt Nam, hiện có 2 Luật liên quan nhiều đến vấn đề này. Cụ thể, Điều 6, Luật trẻ em được Quốc hội ban hành năm 2016, có hiệu lực vào tháng 6 năm 2017 quy định các hành vi nghiêm cấm có việc “Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác”.

Điều 9, Luật phòng chống tác hại thuốc lá được thông qua năm 2012, có hiệu lực vào năm 2013 cũng quy định rõ các hành vi nghiêm cấm: “Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi”.

Tuy nhiên, theo bà An, dù các quy định pháp luật đã có, nhưng việc thực hiện lại có một số khó khăn và thách thức.

Thứ nhất, thuốc lá hiện nay quá dễ mua, dễ tiếp cận. Chúng ta không khó nhìn thấy thuốc lá được bày bán mọi nơi, mọi lúc, ngang tầm mắt của trẻ em. Bên cạnh đó thời gian gần đây, trẻ dễ dàng tiếp cận và mua các sản phẩm thuốc lá từ mạng xã hội. Mặc dù đã có những quy định liên quan đến cấm quảng cáo, cấm hút thuốc lá, nhưng các quy định này dường như khó thực hiện.

ThS An cho hay, trong một điều tra tổng hợp về việc sử dụng thuốc lá của thanh thiếu niên, đã có đến 87,4% các em nói rằng bản thân rất dễ mua và tiếp cận với thuốc lá.

Thứ hai, giá của thuốc lá hiện quá rẻ nên trẻ em cũng dễ mua. “Tôi cho rằng có một nghịch lý ở Việt Nam là giá thuốc lá rất rẻ, trong khi đó giá sữa - sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em thì đắt hơn rất nhiều”, bà An nói.

So sánh với Singapore, giá thuốc lá ở quốc gia này rất đắt. Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam so với các nước trong khu vực rất thấp, trung bình chỉ hơn 11.000 đồng/bao thuốc lá điếu, giá thuốc lá điện tử khoảng 245.000 đồng. Thậm chí, có sản phẩm thuốc lá điện tử chỉ 50.000 đồng. Rất nhiều trường hợp bán khuyến mại mua 3 tặng 1, mua 5 tặng 2, giá còn giảm đi rất nhiều.

Với mức giá như trên, trẻ em rất dễ mua, dễ tiếp cận. Các em có thể nhịn ăn 1 - 2 buổi sáng đã có thể mua được sản phẩm này.

Thách thức thứ ba là các sản phẩm thuốc lá thường được “cố tình” nhắm tới giới trẻ thông qua thiết kế đa dạng, đẹp mắt như mẫu giống chiếc USB hay chiếc bút, thỏi son.

Bên cạnh đó là chiến lược quảng cáo đa dạng: mời những người nổi tiếng mà trẻ em thích giới thiệu sản phẩm hay có các cửa hàng rất bắt mắt, sinh động để tiếp cận giới trẻ.

4 kiến nghị bảo vệ trẻ em khỏi thuốc lá

Trước những khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ trẻ em khỏi thuốc lá, ThS.BS Nguyễn Thị An đề xuất một số kiến nghị.

Bảo vệ trẻ em khỏi thuốc lá còn gặp nhiều khó khăn, chuyên gia đề xuất 4 giải pháp -0
Một điều tra sức khỏe học sinh do Tổ chức Y tế thế giới phối hợp cùng Bộ GD-ĐT thực hiện cho thấy, tỷ lệ trẻ có phơi nhiễm với thuốc lá chiếm đến 2/3 số được khảo sát (Hình minh họa)

Thứ nhất, cần tăng cường thực thi Luật phòng chống, tác hại thuốc lá; đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong đó, tập trung vào các vi phạm về hút thuốc, về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, kinh doanh, buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu.

Thứ hai, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo giá thuốc lá đắt hơn, ngăn chặn việc gia tăng mua thuốc lá. Bà An nhấn mạnh, biện pháp này chi phí thấp, nhưng mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá.

Thứ ba, kiến nghị ban hành chính sách cấm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) tại Việt Nam theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho trẻ em và cha mẹ các em để ngăn ngừa việc trẻ sử dụng thuốc lá.

“Vì một thế hệ tương lai không sử dụng thuốc lá, mong các cơ quan báo chí cùng đồng hành với chúng tôi để nâng cao nhận thức cho tất cả trẻ em và phụ huynh”, bà An kêu gọi.

Xuân Quý - Nguyễn Liên
#