Việt Nam là một trong 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới

- Thứ Ba, 23/05/2023, 14:56 - Chia sẻ

Theo số liệu điều tra, thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm chậm. Tỷ lệ thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử ở các thành phố lớn đặc biệt cao.

Thông tin trên được ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về phòng chống tác hại của thuốc lá, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23.5.

Việt Nam là một trong 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới -0
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Nguyễn Liên)

Theo ông Hải, trước thực trạng, nguy cơ về tác hại của thuốc lá đến sức khỏe con người và các hệ lụy xã hội do sử dụng các loại thuốc lá mới gây ra, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy, công tác truyền thông hết sức quan trọng.

Trong đó, đặc biệt là truyền thông về vấn đề tác hại của thuốc lá, tình hình sử dụng, tỷ lệ sử dụng và chính sách ưu tiên trong hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam.

“Chúng tôi hy vọng rằng những thông tin được cung cấp từ hội thảo sẽ giúp các phóng viên, biên tập viên có nhìn nhận một cách tổng quan và cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh - Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh mãn tính không lây nhiễm, đặc biệt là ung thư phổi, tim mạch, xơ vữa động mạch,…

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới từng nhận định, sau đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục là đại dịch của các bệnh không lây nhiễm. Hiện nay, theo thống kê của Cục quản lý Khám, chữa bệnh, 70-75% người bệnh nằm điều trị tại các bệnh viện ở Việt Nam là do bệnh không lây nhiễm. Trong đó, các khoa tim mạch, ung thư có rất nhiều bệnh nhân.

Việt Nam là một trong 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới -0
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh - Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế (Ảnh: Nguyễn Liên)

Nhấn mạnh về thực trạng các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử) ngày càng phổ biến, PGS Khuê cho biết, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã nhận được báo cáo của Trung tâm chống độc các bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Bạch Mai về việc phát hiện nhiều trường hợp, trong đó có cả thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, khi xét nghiệm phát hiện thấy ma túy trong những ống thuốc lá này.

Đây là thực trạng rất đáng báo động, đáng lo ngại trong giới trẻ, thanh thiếu niên.

Các nghiên cứu cho thấy, hiện nay, xu hướng sử dụng thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử đang tăng. Tại Việt Nam, tỷ lệ này ở một số lứa tuổi thậm chí đã tăng gấp 18 - 20 lần. Trong khi đó, tác hại của thuốc lá phi truyền thống không thua kém thuốc lá truyền thống.

Theo PGS Khuê, trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định, thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác. Nếu hiểu đúng “các dạng khác” ở đây cũng bao gồm thuốc lá thế hệ mới.

Tuy nhiên, một số các cơ quan thấy rằng điều này chưa rõ, do đó việc có những biện pháp mạnh để cấm thuốc lá thế hệ mới hay xử phạt vẫn chỉ ở một mức độ.

“Quan điểm của Bộ Y tế chúng tôi là sẽ cùng bàn với các Bộ, Ngành; xin ý kiến Chính phủ để làm rõ hơn trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về định nghĩa của thuốc lá.

Đồng thời, có những biện pháp cụ thể, các văn bản, Nghị định, Thông tư dưới luật để chúng ta có thể ngăn chặn, đẩy lùi việc thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang lan tràn vào Việt Nam, đặc biệt là ở đối tượng phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên”, PGS Khuê nói.

Việt Nam là một trong 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới -0
Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: Nguyễn Liên)

Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đề nghị báo chí đồng hành cùng Bộ Y tế để tiếp tục tuyên truyền, đưa những thông tin về tác hại của thuốc lá, các vụ ngộ độc cấp cứu do thuốc lá,… tới người dân.

Từ đó, giúp mỗi cá nhân tự nhận thấy tác hại của thuốc lá; không sử dụng cả thuốc lá truyền thống và thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử như khuyến cáo chung của Tổ chức Y tế thế giới.

Nguyễn Liên - Xuân Quý
#