Đây là nội dung tại tại lớp tập huấn Triển khai thực hiện Chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số do Đoàn Chủ tịch TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 16.10.
Theo đó, bất bình đẳng giới vẫn luôn tồn tại và ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi. Thực trạng cho thấy phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ ở vùng sâu, xa đang đối diện với một số vấn đề khó khăn như trình độ học vấn còn thấp, ít được đào tạo chuyên môn, kỹ năng nên khó có cơ hội tham gia vào thị trường việc làm, sinh kế chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp giá trị thấp… Đặc biệt, tình trạng bất bình đẳng vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng tới sự phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Theo đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, chiến lược truyền thông chính là cơ sở định hướng và hướng dẫn các hoạt động truyền thông nhằm từng bước xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong thực hiện hoạt động kinh tế; vai trò chăm sóc và ra quyết định trong gia đình người dân tộc thiểu số; thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các vị trí lãnh đạo; từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán có hại cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong thời gian tập huấn, các lãnh đạo, cán bộ được trang bị những kiến thức như một số khái niệm cơ bản trong bất bình đẳng giới (định kiến giới, khuôn mẫu giới, phân biệt đối xử) và lồng ghép giới; chiến lược truyền thông về bình đẳng giới. Hướng tới mục tiêu tạo cơ hội cho các cán bộ đến để học hỏi, tiếp thu kiến thức về bình đẳng giới cũng như phương thức thực hiện chiến lược truyền thông sao cho toàn diện.
Các chuyên gia cũng nêu rõ, dân tộc thiểu số là đối tượng đặc thù với nhiều điều kiện khó khăn, do vậy cần tập trung truyền thông xóa bỏ một số định kiến, khuôn mẫu giới phổ biến, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm cộng đồng, các ngành, các cấp để thúc đẩy bình đẳng giới tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, tập trung truyền thông nâng cao nhận thức và vận động giải quyết một số vấn đề cấp thiết có tác động đến sự phát triển của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số như: việc làm - cơ hội tiếp cận kinh tế; giáo dục, đào tạo; y tế - sức khỏe; bạo lực gia đình; xóa bỏ phong tục tập quán có hại; thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia hoạt động chính trị, lãnh đạo...