2 nhóm người có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn trong cộng đồng
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết theo một thống kê, cứ 6 người sẽ có 1 người trong cuộc đời có một lần bị đột quỵ. Có 2 nhóm người có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn trong cộng đồng.
Nhóm thứ nhất được gọi là nhóm “ít thay đổi”, bao gồm người cao tuổi (tuổi càng cao, nguy cơ đột quỵ càng tăng) và nhóm người bị ảnh hưởng bởi gen di truyền, đặc biệt là gen về tăng đông (dòng máu có thể bị vón cục, đông lại, gây tắc mạch). Vấn đề tuổi tác không thể thay đổi, nhưng với một số gen, nếu phát hiện sớm có thể can thiệp, dự phòng được.
Nhóm thứ hai là nhóm “có thể thay đổi được”, hay nói cách khác chúng ta hoàn toàn có thể dự phòng được - đó là do những yếu tố nguy cơ.
Cụ thể, những yếu tố nguy cơ tim mạch nói chung (như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá và một số bệnh lý tim mạch) có thể dẫn đến đột quỵ.
Chẳng hạn, nhóm bệnh rung nhĩ (quả tim co bóp không đều, nhịp tim không đều dẫn tới nguy cơ tạo ra một cục máu đông trong tim. Khi tim đập và co bóp có thể bắn cục máu đông này lên trên não gây tắc mạch). Với nhóm bệnh này, khi phát hiện, bác sĩ sẽ phải cho dùng thuốc chống đông để dự phòng, tránh việc cục máu đông hình thành và để giảm nguy cơ bị đột quỵ cho bệnh nhân.
Với bệnh tăng huyết áp, các nghiên cứu cho thấy cứ 6 bệnh nhân tăng huyết áp thì có 1 bệnh nhân nguy cơ bị đột quỵ. Theo PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, bệnh nhân tăng huyết áp phải kiểm soát chỉ số huyết áp thật tốt bằng các thuốc, tuân thủ lời khuyên của thầy thuốc chuyên khoa, bác sĩ tim mạch hoặc bác sĩ y học gia đình. Huyếp áp tối ưu trong mức 130/80mmHg - dưới 140/80 mmHg. Huyết áp cần được kiểm soát trong cả cuộc đời, ngay cả lúc tỉnh, lúc ngủ, lúc nghỉ ngơi hay lúc đi làm.
Bệnh đái tháo đường lâu ngày cũng được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát đường máu (chỉ số HbA1c) nhỏ hơn 7% giúp hạn chế biến chứng bằng việc sử dụng thuốc và tuân thủ chế độ ăn phù hợp.
Với nhóm bệnh nhân bị rối loạn lipid máu (hay rối loạn mỡ máu), các thành phần mỡ máu như cholesterol và chất béo trung tính (triglyceride) phải được kiểm soát trong mức an toàn bằng thuốc, chế độ ăn định kỳ, kiểm tra để giữ mức mỡ máu ở mức an toàn.
“Bệnh nhân có những yếu tố nguy cơ này, với sự hỗ trợ của bác sĩ, nếu tuân thủ chế độ ăn và dùng thuốc để khống chế được 3 nhóm bệnh quan trọng như trên sẽ làm giảm nguy cơ bị đột quỵ”, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải cho hay.
Những thói quen sinh hoạt có thể dẫn tới nguy cơ đột quỵ
Cũng theo Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ngoài những yếu tố nguy cơ tim mạch nói chung, còn một loạt các nhóm nguy cơ khác như nguy cơ liên quan đến thói quen.
Đơn cử như thói quen hút thuốc lá. Theo bác sĩ Hải, hút thuốc lá có thể đẩy tuổi thọ mạch máu của một người trẻ bị già đi rất nhanh. Một thanh niên hay người trung niên hút thuốc lá rất nhiều, hoàn toàn có tuổi thọ mạch máu giống như một cụ 80 tuổi. Người trẻ hút thuốc lá nhiều có thể dẫn đến đột quỵ và nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, những người béo phì, chỉ số BMI - chỉ số khối cơ thể lớn (thường là trên 25) cũng có nguy cơ dẫn đến một loạt các vấn đề bệnh rối loạn chuyển hóa có thể gây tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu hay ngừng thở khi ngủ (vấn đề ngừng thở khi ngủ có thể dẫn đến suy hô hấp hay tăng huyết áp mãn tính). Những người béo phì có thể ngủ không được ngon và gặp nhiều rối loạn khác, gây nguy cơ đột quỵ rất sớm.
Bác sĩ Hải cho biết thêm, ngày nay, cũng có rất nhiều bạn trẻ có thói quen dùng những thuốc kích thích, chất kích thích, ma túy và có thể là ma túy tổng hợp. Lạm dụng những chất này rất dễ dẫn đến tắc mạch, xơ vữa mạch máu. Ngoài ra, người dùng ma túy có thể không tuân thủ một chế độ ăn, một chế độ luyện tập nào và không tuân thủ những thuốc bác sĩ đã cấp. Bản thân các ma túy này cũng có thể gây nên đột quỵ.
Đã có những bằng chứng cho thấy rằng, ngay cả các bạn trẻ dùng thuốc lá điện tử với rất nhiều ma túy tổng hợp được trộn vào trong đó cũng có thể dẫn đến tình trạng đột quỵ, chảy máu não, tắc mạch não từ khi tuổi còn rất trẻ.
Bên cạnh tất cả những yếu tố nguy cơ như trên, bác sĩ Hải thông tin, người dân ở một số ngành nghề căng thẳng, vất vả hơn những ngành nghề khác, thường xuyên gặp stress cũng có nguy cơ bị đột quỵ.
“Như vậy, một người bình thường cũng cần quan tâm rất nhiều vấn đề, trong đó có chế độ ăn, chế độ luyện tập hay chế độ sinh hoạt, lựa chọn công việc làm giảm những nguy cơ nói trên. Đặc biệt, với cuộc sống hiện đại hiện nay, người dân cần tìm cách giảm stress và không nên tìm đến ma túy hay các thuốc kích thích, để làm giảm nguy cơ mắc đột quỵ”, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải đưa ra khuyến cáo.
Bác sĩ đưa ra lời khuyên, người dân cần kiểm soát tất cả yếu tố nguy cơ, gồm những bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì và kiểm soát tốt chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Đặc biệt, một người bình thường nên đi khám định kỳ 6 tháng 1 lần. Nếu không có đủ điều kiện hoặc là những người trẻ hơn, có thể 1 năm đi khám sức khỏe 1 lần.
“Tất cả các bác sĩ, từ bác sĩ đa khoa đều nắm được tinh thần này và chúng ta đều có thể được sàng lọc những bệnh lý, những nguy cơ gây đột quỵ và được bác sĩ cho lời khuyên để dự phòng. Khi đã xảy ra đột quỵ, ở nhà không có gì là có thể giúp chúng ta. Chúng ta không có máy CT, không có máy cộng hưởng từ, chúng ta không có tiêu sợi huyết, chúng ta không thể làm cách nào để lấy huyết khối tái thông,… Do đó, chúng ta cần tới bệnh viện gặp bác sĩ để có thể dự phòng và điều trị bệnh hiệu quả nhất”, bác sĩ Hải nói.
Ông nhấn mạnh, hiện nay, gần như bệnh viện tuyến tỉnh nào cũng có khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh lý đột quỵ sớm.
Người bệnh khi đã có các dấu hiệu nghĩ tới đột quỵ nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt, bởi cứ mỗi phút chậm trễ, hàng triệu nơron thần kinh của người bệnh đột quỵ có thể chết đi.
“Điều này giống như việc cây trồng bị thiếu nước, héo đi. Nếu chúng ta tưới nước kịp thời, cây có thể sống lại. Nhưng nếu chúng ta để muộn quá, khi cây đã chết khô rồi thì có tưới nước vào cũng không giải quyết được”, bác sĩ Hải cho hay.