“Cấm càng sớm, càng triệt để sẽ càng tốt”
Ngày 23.5, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về phòng chống tác hại của thuốc lá với sự tham dự của nhiều chuyên gia y tế.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế quản lý phù hợp cho thuốc lá thế hệ mới - thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (như đưa vào Nghị định 67 sửa đổi hay Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi) và cho phép thí điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế chia sẻ, thuốc lá thế hệ mới hiện chưa được quy định cụ thể, rõ ràng trong Luật phòng chống tác hại thuốc lá.
Đây là luật chuyên ngành về phòng chống tác hại thuốc lá. Do đó, việc chúng ta quy định trong những văn bản hướng dẫn hay Nghị định sẽ không phù hợp với luật chuyên ngành.
Theo bà Hương, kinh nghiệm của các nước trên thế giới và đặc biệt khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy rằng, với sản phẩm thuốc lá còn chưa trở nên phổ biến, tốt nhất nên có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, trước khi sản phẩm này trở nên quá phổ biến. Bởi khi đã phổ biến mới bắt đầu các biện pháp phòng chống sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho xã hội, sức khỏe của người dân sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Kinh nghiệm các nước cho thấy: cấm càng sớm, càng triệt để sẽ càng tốt”, bà Hương khẳng định.
Bà Hương cũng đưa ra phân tích, nếu đưa thuốc lá thế hệ mới vào các văn bản hướng dẫn liên quan có nghĩa gần như chúng ta đã tạo điều kiện và thừa nhận đó là sản phẩm hợp pháp tại Việt Nam. Điều này không phù hợp về mặt căn cứ pháp lý, cũng không phù hợp với thực tiễn.
“Chính vì vậy, quan điểm của chúng tôi là vẫn nên cấm các sản phẩm thuốc lá này ngay từ khi chúng ta còn có thể và nó còn chưa phổ biến”, bà Hương nhấn mạnh.
Muốn quản lý thuốc lá thế hệ mới, cần giải quyết rất nhiều vấn đề
Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định, tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là không kém gì thuốc lá thông thường. Thuốc lá thế hệ mới có thể gây ra nhiều bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, bệnh răng miệng, tiêu hóa, đường hô hấp,…
Ngoài ra, còn có cả tác hại cấp tính, điển hình là hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử. Ở Mỹ, báo cáo vào năm 2020 cho thấy, tại nước này có trên 2.800 trường hợp tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử phải nhập viện, trong đó 68 ca tử vong.
Thống kê ở Mỹ giai đoạn từ năm 2015 - 2017 cho thấy, có 2.035 trường hợp phải đến bệnh viện cấp cứu vì các tai nạn (như cháy nổ) do thuốc lá điện tử gây ra, trong đó có 1 ca tử vong, 1 ca nặng bị vỡ xương hàm.
Bên cạnh đó là nguy cơ sử dụng ma túy cùng thuốc lá điện tử. Thống kê ở Mỹ, trong số học sinh trung học đang sử dụng thuốc lá điện tử, có 1/3 em dùng kèm các chất ma túy. Tỷ lệ này ở học sinh cấp 2 Mỹ là 1/4.
ThS Lâm nhấn mạnh, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia có thể lựa chọn cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử hoặc quản lý. Nếu lựa chọn quản lý, phải có giải pháp ngăn ngừa được sự bắt đầu sử dụng ở trẻ em và những người chưa sử dụng.
Như vậy, nếu chọn hướng quản lý, phải có đủ năng lực để quản lý. Đây cũng là thách thức rất lớn với nhiều quốc gia.
Phân tích kỹ hơn, ông Lâm cho biết, thuốc lá thế hệ mới hiện khá đa dạng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhìn chung, ở các sản phẩm thế hệ mới, hàm lượng nicotine cao gấp đôi so với thuốc lá thông thường, làm tăng nguy cơ gây nghiện.
Về số lượng công ty sản xuất, nếu tính riêng tại Mỹ, số lượng công ty đăng ký với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ là 500 công ty.
“Nếu như chúng ta nói rằng chỉ cho phép các công ty có sản phẩm uy tín được lưu hành sản phẩm, thì rất khó để kiểm soát hết. Vì riêng Mỹ đã có 500 công ty rồi. Nếu có hàng nghìn công ty, chúng ta làm sao biết công ty nào là uy tín. Trong khi đó, việc sản xuất sản phẩm này khá đơn giản nên không thể nói là sản phẩm uy tín”, ThS Lâm nói.
Với ý kiến cho rằng có thể kiểm soát bằng việc thu thuế, theo ông Lâm, sản phẩm thuốc lá điện tử hiện thu thuế rất khó. Lý do bởi đây là dung dịch nicotine, đang xếp vào mã hóa chất, trong khi thuế hóa chất thực tế rất thấp.
“Tất nhiên, Nhà nước có thể quy định thuế cao lên. Đây cũng là một biện pháp, nhưng nếu như chúng ta không cẩn thận sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh. Ví dụ, Luật về thuốc lá tại Hàn Quốc định nghĩa thuốc lá là sản phẩm từ lá cây thuốc lá.
Tuy nhiên, một số công ty nói rằng sản phẩm của tôi là nicotine từ thân và rễ cây thuốc lá hay nicotine tổng hợp, không phải sản phẩm thuốc lá nên không cần đóng thuế và vẫn được quảng cáo bình thường. Như vậy, chúng ta sẽ rất khó kiểm soát hết”, ThS Lâm nêu dẫn chứng.
Ông cũng nhận định, nếu thuốc lá thế hệ mới được hợp pháp hóa có thể dẫn đến việc trẻ em tiếp cận rất nhanh. Như vậy, tỷ lệ trẻ 13 - 17 tuổi sử dụng thuốc lá sẽ tăng rất nhanh, không chỉ dừng lại ở tỷ lệ 3,5% như chúng ta thống kê năm 2022.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam vẫn theo quan điểm quốc tế là một quốc gia có thể lựa chọn cấm hoặc quản lý thuốc lá thế hệ mới.
Tuy nhiên, khi lựa chọn quản lý, phải giải quyết được rất nhiều vấn đề đặt ra như có đủ nhân lực, phương tiện để kiểm soát việc nhập khẩu, kiểm soát hàm lượng nicotine, các hương liệu, kiểm soát vấn đề thuốc lá điện tử trộn lẫn ma túy,…
“Tuy nhiên, theo tôi được biết, hiện Bộ Y tế chưa có năng lực đáp ứng việc thử nghiệm như trên, chưa có máy móc để kiểm nghiệm hàm lượng nicotine hay các chất ma túy, yếu tố con người cũng chưa sẵn sàng. Luật pháp hiện cũng chưa bao quát được các vấn đề này. Như vậy, chúng ta còn có nhiều lỗ hổng.
Để quản lý được thuốc lá thế hệ mới, phải có một quy định Luật chặt chẽ, bao quát các vấn đề đặt ra nói trên. Sau đó, phải có sự đầu tư về máy móc, thiết bị thử nghiệm nicotine, thử nghiệm hương liệu, thử nghiệm ma túy, kết hợp đào tạo con người. Đồng thời, ban hành rất nhiều quy định cảnh báo, các tiêu chuẩn sản phẩm, quy định cấm quảng cáo,… Tất cả điều này chúng ta đều chưa có”, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm cho hay.