Vậy có không uống kháng được không? Do đâu mà bác sĩ lại kê kháng sinh? Kháng sinh liệu có đáng ngại hoặc phải “hoảng sợ” khi dùng hay không?
Thứ nhất, chúng ta biết rằng từ khi phát hiện ra kháng sinh, chúng ta đã cứu sống được rất nhiều người bị nhiễm trùng (nhiễm khuẩn), trong chiến tranh, để kiếm được một lọ kháng sinh điều trị vô cùng đắt và khó khăn, nhiều khi còn “đắt hơn vàng”. Trong bệnh viện, hiếm các ca mổ hoạc các ca nhiễm khuẩn hồi phục mà không có kháng sinh! Như vậy, chúng ta khẳng định vai trò của kháng sinh là không bàn cãi!
Thứ hai, tại sao chúng ta lại “sợ”: Thực ra qua thực tế lâm sàng hành nghề chúng tôi nhận thấy bản thân người bệnh, người bệnh có thai, cho con bú hoặc cha mẹ bệnh nhân nghe hoặc đọc những thông tin về sự kháng kháng sinh của vi khuẩn do sử dụng không hợp lý, thông tin về những tác hại của kháng sinh cho người sử dụng: ảnh hưởng tới phát triển thể chất, ảnh hưởng tới các cơ quan như gan thận… và thế là…. hoặc cố không sử dụng kháng sinh cho các con cho tới khi bệnh trở nặng.
Một số lại sử dụng một vài liều, sau đó nghe ngóng thấy các biểu hiện bệnh thuyên giảm là dừng hoặc cứ tính sử dụng 5-7 ngày rồi lại dừng lại mặc dù bệnh vẫn nặng. Và bệnh cứ thế loay hoay, xoay sở mà mãi không thấy biến chuyển… và đi hết các cơ sở y tế có tiếng mà vẫn... không thay đổi, thậm chí nặng lên hoặc nay vào viện này, mai vào viện khác... Như vậy là “sợ” nhưng chưa rõ cần phải làm gì!
Vậy khi nào bác sĩ kê kháng sinh?
Khi khám, bác sĩ thấy các biểu hiện nhiễm khuẩn rõ ràng, có thể cấp hoặc mạn vì thế chúng ta có thể thấy các biểu hiện sau: sốt (có thể có hoặc không), có dịch tiết nhiễm khuẩn dịch màu xanh, vàng, nâu bẩn… Vùng viêm nhiễm có hiện tượng sung huyết, nóng, đau.
Thời gian sử dụng kháng sinh là bao lâu?
Khi đã quyết định cần phải sử dụng kháng sinh, việc sử dụng kháng sinh cần phải dứt khoát: liều đúng ngay từ đầu và kéo dài cho tới khi tình trạng nhiễm khuẩn hết hẳn: hết sốt, hết các dịch tiết nhiễm khuẩn, tình trạng sưng, nóng, đau hết hẳn.
Sau đó có thể duy trì thêm các thuốc ngoài kháng sinh như chống viêm, tiêu dịch, hồi phục niêm mạc cho đến khi khỏi hẳn.
Tuyệt đối tuân thủ đơn và hướng dẫn điều trị của bác sĩ là cách để tình trạng viêm nhiễm dứt điểm. Tuy nhiên cần lưu ý rằng tình trạng viêm nhiễm của mũi họng có thể tái nhiễm từ môi trường bên ngoài, do đó mỗi lần viêm nhiễm, người bệnh cần đi khám và điều trị sớm để bệnh không trở thành mạn tính hoặc những bệnh mạn tính không gây ra các biến chứng nguy hiểm: nhiễm trùng mũi họng do liên cầu gây biến chứng tim, thận và khớp, biến chứng mắt gây tổn thương thị lực, giãn phế nang không hồi phục… do viêm mũi xoang không điều trị dứt điểm, viêm amidan nhiễm khuẩn gây áp xe quanh amidan, áp xe thành sau họng…
Nếu có gì băn khoăn, các bạn hãy tin tưởng và trao quyết định điều trị cho bác sĩ trực tiếp khám cho bạn và hỏi chi tiết những gì bạn còn chưa hiểu rõ để thực hiện đúng theo phác đồ điều trị.