Thay đổi hành vi ăn uống:
Theo TS.BS. Phan Hướng Dương, người bệnh cần biết đọc các nhãn mác các sản phẩm dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm, tự theo dõi và ngừng ăn vặt, bỏ bữa; Chỉ ăn khi cảm thấy đói và dừng lại khi cảm thấy no.
Ngồi xuống bàn khi ăn (không đứng hoặc đang đi) và không làm việc gì khác: xem tivi, xem điện thoại, nghe đài, đọc sách…
Hãy ăn chậm và thưởng thức bữa ăn, chú ý mùi vị, hương vị, thành phần và nhiệt độ món ăn
Vận động thể lực:
- Tăng cường vận động hàng ngày, tránh lối sống tĩnh tại, ít vận động: hạn chế xem tivi, chơi điện tử, đi cầu thang bộ thay vì cầu thang máy, làm việc gia đình, làm vườn…
- Vận động thể lực thường xuyên có thể cải thiện nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch chuyển hóa ở người trưởng thành thừa cân, béo phì, các rối loạn tâm sinh lý (trầm cảm, lo âu…).
- Người bệnh được khuyến khích tập thường xuyên, ít nhất là 30 phút/ngày với cường độ vận động trung bình như: đi bộ nhanh, chạy, bơi, đạp xe đạp tốc độ trung bình.
TS. Phan Hướng Dương cũng đưa ra khuyến cáo: Đái tháo đường là một bệnh mạn tính mà dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị.
Để kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh không nhất thiết phải “kiêng khem” quá mức như mọi người từng nghĩ.
Hiểu rõ được tầm quan trọng của dinh dưỡng điều trị, biết cách phân bố bữa ăn hợp lý và lựa chọn thực phẩm phù hợp trong khẩu phần ăn hằng ngày, người bệnh Đái tháo đường vẫn có thể xây dựng được các thực đơn đa dạng, phong phú với đầy đủ các nhóm thực phẩm mà vẫn duy trì được mức đường huyết ổn định lâu dài.
Ngoài ra, điều trị Đái Tháo Đường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa dinh dưỡng với việc tuân thủ dùng thuốc và chế độ luyện tập thể dục phù hợp. Như vậy, bệnh nhân sẽ kiểm soát tốt căn bệnh và phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm về sau.