Bác sĩ khuyến cáo nguy cơ tăng huyết áp, tăng cân ở trẻ dịp Tết

- Thứ Ba, 13/02/2024, 07:46 - Chia sẻ

Ăn uống không chọn lọc, tiêu thụ thực phẩm nhiều muối, sử dụng thiết bị điện tử trong nhiều giờ, ít hoạt động thể chất… có thể khiến trẻ bị tăng huyết áp trong dịp Tết. 

TS.BS Nguyễn Thị Duyên, Phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ, nhiều trẻ bị tăng huyết áp đến thăm khám sau Tết, phần lớn các bé có thể trạng mũm mĩm, thừa cân.

Béo phì được coi là nguy cơ chính gây tăng huyết áp ở trẻ. Việc tiêu thụ bánh chưng, bánh tét, chả giò, thịt đông, lạp xưởng, xúc xích, thịt hun khói… khiến trẻ tăng cân không kiểm soát. Những loại thực phẩm này thường chứa lượng calo cao, nhiều muối và chất béo bão hoà không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Bác sĩ khuyến cáo nguy cơ tăng huyết áp ở trẻ dịp Tết -0
Việc trẻ không hoạt động thể chất một giờ mỗi ngày sẽ làm tăng đến 50% nguy cơ tăng huyết áp (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Duyên cho biết: “Chưa kể, những thức uống nhiều đường như nước ngọt có ga, nước ép trái cây đóng hộp, kẹo bánh, socola sữa… cũng là những món khoái khẩu của trẻ và được sử dụng nhiều trong dịp Tết, dẫn đến tình trạng tăng cân nhanh chóng”.  

Bên cạnh đó, Tết Nguyên đán cũng là thời điểm trẻ nghỉ ở nhà dài ngày. Trẻ có nhiều thời gian hơn để chơi game trên máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng hay xem chương trình truyền hình trong dịp Tết.

Một nghiên cứu về trẻ em ở châu Âu cho thấy, nếu trẻ ngồi hơn 2 giờ mỗi ngày trước màn hình sẽ làm tăng 30% khả năng mắc bệnh tăng huyết áp.

Trong một nghiên cứu thực hiện bởi Phòng Nhi khoa Tổng quát và Trung tâm Nghiên cứu Phòng ngừa Dịch bệnh Stanford (Mỹ), việc xem TV gây béo phì bởi vì một hoặc nhiều cơ chế khác nhau, bao gồm: không có hoạt động thể chất; lượng thực phẩm tiêu thụ tăng trong khi xem TV, chơi game; giảm quá trình trao đổi chất khi nghỉ ngơi. 

Ngoài ra, trẻ xem TV hoặc chơi thiết bị điện tử vào ban đêm có nhiều khả năng bị rối loạn giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ và kèm theo những giấc mơ, thậm chí là ác mộng. Mất ngủ sẽ làm tăng tiết hormone gây căng thẳng (cortisol) trong cơ thể, dẫn đến tăng cân.

Song song đó, khi bị căng thẳng, cơ thể giải phóng các hormone adrenaline và cortisol vào máu. Lúc này tim đập nhanh hơn, các mạch máu co lại, làm tăng huyết áp tạm thời.

Đồng thời, việc trẻ không hoạt động thể chất một giờ mỗi ngày sẽ làm tăng đến 50% nguy cơ tăng huyết áp. Việc ít vận động khiến cơ thể không được đốt calo và mỡ được tích trữ trong cơ thể.

Vì vậy, trẻ cần được khuyến khích hoạt động thể chất ít nhất 60 phút mỗi ngày, kể cả trong những ngày Tết. Điều này cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển lành mạnh của trẻ.

Theo đó, Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) ước tính có khoảng 3,5% trẻ em và thanh thiếu niên bị tăng huyết áp; có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim, suy thận, giảm thị lực hay đột quỵ nếu không được điều trị sớm.

Xuân Quý
#