Sinh viên Trường Đại học Thủy lợi được cung cấp thông tin pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội vừa phối hợp với Hội sinh viên TP. Hà Nội (Thành đoàn Hà Nội), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội tổ chức Hội nghị Tuyên truyền phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật lao động, BHXH cho sinh viên Trường Đại học Thủy Lợi.
Hơn 300 sinh viên tại Đại học Thủy lợi đã được tiếp cận với nhiều kiến thức pháp luật bổ ích thông qua các chuyên đề về pháp luật lao động và chính sách bảo hiểm y tế (BHYT).
Ở chuyên đề thứ nhất, Phó Trưởng phòng Lao động, Tiền lương và BHXH, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội Nguyễn Thị Oanh đã phổ biến tới các sinh viên chuyên đề về pháp luật lao động. Bao gồm các nội dung chính như quyền và nghĩa vụ của người lao động; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động; các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động; việc làm và tuyển dụng; quy định về thử việc; hợp đồng lao động; chấm dứt hợp đồng lao động, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên.

Bà Nguyễn Thị Oanh phổ biến tới sinh viên sắp tốt nghiệp về quy định thử việc, thời gian thử việc không quá 60 ngày đối với những công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại: hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn...
Bà Oanh cũng chia sẻ nhiều tài liệu và yêu cầu các sinh viên nghiên cứu kỹ các khoản tiền, các chế độ, mà một người lao động nhận được khi bị kết thúc hợp đồng lao động cũng như các quyền của lao động khi kết thúc hợp đồng lao động.
Theo bà Oanh, việc tranh chấp lao động đang xảy ra phổ biến trong xã hội hiện đại; việc các sinh viên năm cuối được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật là điều rất cần thiết để tránh cho mình những thiệt thòi khi tham gia vào thị trường lao động.

Ở chuyên đề thứ hai, bà Lê Thị Ngọc Nghĩa, Phó Trưởng phòng Truyền thông, BHXH TP. Hà Nội phổ biến tới sinh viên về chính sách BHXH bắt buộc; chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình...
Đặc biệt bà Nghĩa cũng thông tin về ứng dụng VSSID trong việc quản lý thẻ bảo hiểm cá nhân. Theo đó, ứng dụng VSSID sẽ giúp sinh viên theo dõi được doanh nghiệp có thực sự đóng BHXH cho lao động hay không. Hiện nay, tình trạng nợ BHXH, trốn BHXH vẫn đang được xem là vấn nạn của nền kinh tế cũng như duy trì an sinh xã hội, phần mềm sẽ vũ khí giúp các lao động tự bảo vệ mình trong một thị trường lao động nhiều biến động.

Sinh viên Trần Minh Sang (năm 3 Trường Đại học Thủy lợi) chia sẻ, dù đã bắt đầu giai đoạn thực tập và chỉ còn chưa đày 10 tháng học em sẽ ra trường nhưng kiến thức về pháp luật lao động, việc làm của Sang vẫn rất ít.
Qua những chương trình này, các sinh viên như Sang đã được tiếp cận gần hơn, nắm vững hơn những quy định về hợp đồng lao động, BHXH, BHYT cũng như có thêm kiến thức để bảo vệ quyền lợi của bản thân sau khi tốt nghiệp và đi làm.