Siết chặt dịch vụ đòi nợ
Trước tình trạng đòi nợ đang bị biến tướng, gây bất ổn xã hội. Trong buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV tại đơn vị bầu cử số 6 của Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, nhiều cử tri đề nghị cần có giải pháp ngăn chặn doanh nghiệp đòi nợ thuê kiểu khủng bố.
Tại TP Hồ Chí Minh, dịch vụ đòi nợ thuê trên địa bàn đang phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Cơ quan chức năng có thể xử lý bằng biện pháp hành chính, hình sự nhưng kẻ chủ mưu, đứng đằng sau những nhóm đòi nợ thì rất khó xử lý. Thực trạng nhức nhối này không chỉ tồn tại ở TP Hồ Chí Minh mà nhiều tỉnh, thành khác, thậm chí cả khu vực nông thôn.
Từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Hoạt động dịch vụ đòi nợ phải tuân theo nguyên tắc: Chỉ những doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ được thực hiện các biện pháp xử lý nợ phù hợp với quy định của pháp luật. Dịch vụ đòi nợ được xếp vào một trong những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nghị định số 96/2016/NĐ-CP đã quy định rõ điều kiện về an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Theo đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải đáp ứng điều kiện: Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 5 năm tại quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 5 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, làm nhục người khác.
Tuy vậy, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhất là với sự phát triển khó kiểm soát của dịch vụ cầm đồ, “tín dụng đen”, dịch vụ đòi nợ đã bị biến tướng và gây nên nhiều hệ lụy. Nhiều người vì cực chẳng đã, vay tín dụng đen, đến kỳ hẹn nhưng chưa trả được tiền, chủ nợ đã cho “tay chân” đến ráo riết đòi nợ. Những kẻ trong đội ngũ đòi nợ thuê thường là những thành phần “vào tù ra tội”, coi thường pháp luật. Chúng dùng nhiều thủ đoạn và phương tiện có thể gây nguy hiểm để khủng bố tinh thần, uy hiếp con nợ. Không ít trường hợp, do con nợ quá khó khăn, chúng bất chấp pháp luật, sẵn sàng bắt bớ, đánh đập, gây thương tích. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã từng ví: Tín dụng đen như “cướp ngày”. Bộ trưởng cho rằng, tín dụng đen là một loại tội phạm hình sự, có thể được hoạt động dưới dạng một công ty, nhóm có hoạt động liên quan đến kinh tế, nên ranh giới giữa hoạt động kinh tế và tội phạm hình sự rất khó phân biệt để xử lý.
Để đòi nợ, chủ nợ có nhiều phương án, như thương lượng, khởi kiện ra tòa. Với phương án này, chi phí thấp nhưng lại tốn thời gian, công sức mà số tiền thu được đôi khi “nằm trên giấy” bởi con nợ đã tẩu tán tài sản. Đó cũng là lý do, dù pháp luật đã có quy định nhưng để thu hồi nợ, chủ nợ thường ít dùng đến giải pháp này. Bên cạnh đó, chủ nợ cũng có thể ký hợp đồng ủy quyền đòi nợ cho các doanh nghiệp đòi nợ. Với sự lựa chọn này, chủ nợ buộc phải bỏ khoản chi phí cao nhưng nhanh chóng, khả năng thu hồi nợ cao hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do thiếu sự kiểm soát chặt chẽ đã có không ít vụ vi phạm pháp luật hình sự.
Trước sự biến tướng khó kiểm soát của các băng nhóm xã hội đen núp bóng doanh nghiệp đòi nợ thuê gây bất ổn xã hội, trong Phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ đã thống nhất yêu cầu Bộ Công an triển khai các biện pháp ngăn chặn sự biến tướng của hoạt động đòi nợ thuê, siết nợ, cho vay nặng lãi, cầm đồ lãi suất cao. Đã đến lúc chúng ta cần xử lý nghiêm doanh nghiệp không tuân thủ theo đúng quy định về thu hồi nợ; kiểm soát chặt việc thành lập các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ này, tránh tình trạng núp bóng doanh nghiệp nhưng lại dùng “luật rừng” để thu nợ, gây bất ổn xã hội.