Đưa ra nhiều cam kết
Thời gian vừa qua, Báo Đại biểu Nhân dân thông tin về thực trạng hàng hoá không đảm bảo chất lượng được đăng bán công khai trên sàn TMĐT Shopee.
Theo đó, trên sàn TMĐT, rất nhiều mặt hàng được gán mác xách tay, không có hoá đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng được tiêu thụ đến người tiêu dùng mỗi ngày.
Ngoài ra, còn có nhiều gian hàng công khai đăng bán các sản phẩm được làm giả của các thương hiệu nổi tiếng đã đăng ký sở hữu bản quyền như đồng hồ Rolex, giày Nike, giày Adidas....
Trước thông tin phản ánh, Shopee đã có phản hồi cụ thể với Báo Đại biểu Nhân dân.
"Theo chính sách của Shopee, chúng tôi không cho phép đăng bán hàng xách tay. Shopee sẽ có các biện pháp xử lý cứng rắn khi phát hiện hoặc nhận được bất kỳ phản ánh có căn cứ xác thực đối với các sản phẩm kém chất lượng hay không có nguồn gốc xuất xứ nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng", Shopee khẳng định.
Liên quan đến các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) được rao bán trên sàn TMĐT Shopee không có tem nhãn bằng tiếng Việt, Shopee cho hay, đã áp dụng việc kiểm soát bằng hệ thống và nhân sự kiểm duyệt.
Nếu sản phẩm đăng bán là phù hợp quy định pháp luật (VD: Giấy Công bố phù hợp quy định ATTP) - có thể do Nhà Bán Hàng cung cấp hoặc Shopee tự kiểm tra thông tin). Shopee sẽ cho phép đăng bán trên sàn vì sản phẩm đã đủ điều kiện lưu hành trên thị trường. Khi có khiếu nại hay phản ảnh về sản phẩm, Shopee sẽ yêu cầu Nhà Bán Hàng cung cấp chứng từ mua bán hàng hóa như Hợp đồng mua bán/đại lý, Hóa đơn mua hàng v...v… để chứng minh sản phẩm hợp lệ.
"Chúng tôi có đội ngũ nhân sự thường xuyên sàng lọc danh sách sản phẩm để đảm bảo người bán không vi phạm chính sách của chúng tôi. Các trường hợp cố tình vi phạm, nhân sự kiểm duyệt của công ty sẽ cương quyết gỡ bỏ các nội dung và sản phẩm vi phạm ngay khi phát hiện. Danh sách từ khóa sẽ được bộ phận kiểm duyệt của chúng tôi cập nhật thường xuyên thông qua công tác kiểm tra/giám sát hoặc ngay khi phát sinh các vụ việc có liên quan", Shopee cho hay.
Ngoài ra, trong trường hợp khách hàng mua các sản phẩm trên sàn TMĐT Shopee không rõ nguồn gốc xuất gặp vấn đề gì khi sử dụng, Shopee luôn cam kết bảo vệ tối đa quyền lợi của người dùng và đảm bảo cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến bảo mật và an toàn trên nền tảng của mình. Shopee áp dụng các chính sách hỗ trợ người tiêu dùng theo "Chính sách Shopee đảm bảo" và "Chính sách Trả hàng và Hoàn tiền".
Hàng xách tay vẫn rao bán công khai
Sau phản hồi của Shopee, hiện trên sàn TMĐT này, các sản phẩm được gán mác hàng xách tay vẫn được rao bán công khai "vượt mặt" chính sách mà Shopee đề ra. Theo đó, chỉ với từ khoá "thực phẩm chức năng xách tay", người dùng nhận về vô số kết quả liên quan như Saffron cao cấp tiếp viên xách tay, viên uống rau củ DHC xách tay Nhật Bản, Collagen Tây Ban Nha xách tay....
Chưa dừng lại ở đó, ghi nhận thực tế cho thấy, trên sàn TMĐT Shopee có rất nhiều gian hàng thời trang. Đáng chú ý, các sản phẩm thời trang được đăng bán không đảm bảo điều kiện về tem nhãn theo quy định.
Theo quy định về việc ghi nhãn hiệu đúng tiêu chuẩn của pháp luật, trên tem nhãn phải có đầy đủ các thông tin như tên quần áo và địa chỉ liên hệ của cơ sở kinh doanh quần áo; nguồn gốc, xuất xứ quần áo; thành phần hoặc thành phần định lượng của quần áo; thông số kỹ thuật quần áo; thông tin cảnh báo quần áo;hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản quần áo; năm sản xuất. Đối với kích thước của nhãn mác quần áo, pháp luật không có quy định cụ thể, tuy nhiên cần đảm bảo nội dung ghi trên nhãn quần áo khách hàng có thể dễ dàng đọc được.
Tại gian hàng có tên GEM Fashion Thời Trang Công Sở trên sàn TMĐT Shopee, các sản phẩm thời trang khi đến tay khách hàng, phần tem nhãn không có đủ thông tin như theo quy định. Trên tem nhãn của áo chỉ có ảnh logo cửa hàng và kích cỡ. Ngoài ra các thông tin khác như chất liệu hay cách giặt sản phẩm, xuất xứ đều không có.
Có thể thấy, mặc dù Shopee khẳng định bảo vệ quyền lợi của khách hàng và luôn có đội ngũ nhân sự sàng lọc các sản phẩm được đăng bán nhưng hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn hay tem nhãn không đảm bảo quy định vẫn được đăng bán công khai.
Được biết, Shopee đã nhiều lần lên tiếng về thực trạng hàng hoá không có hoá đơn chứng từ, hàng kém chất lượng, không tem nhãn được tiêu thụ đến tay người tiêu dùng thông qua sàn TMĐT này. Chưa kể, cũng có rất nhiều khách hàng phản ánh về chất lượng sản phẩm sau khi sử dụng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Shopee vẫn chưa có chế tài xử lý triệt để nào về việc hàng hoá kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn được duyệt và đăng bán trên sàn.
Trước thực trạng hàng hoá kém chất lượng được tiêu thụ trên sàn TMĐT, gây cản trở trong công tác giám sát, kiểm tra của cơ quan chức năng, trong năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính có phương án, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội nói riêng và hoạt động kinh doanh trên không gian mạng nói chung, tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.
Cục tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông và các đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị chấp hành pháp luật về TMĐT theo Kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt và các chuyên đề đột xuất theo yêu cầu nhiệm vụ.
Đặc biệt, Cục sẽ tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT.
Mặt khác, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT; Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa Cục và Tổng Cục về các đối tượng lợi dụng các website và ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả.
Ngày 29.3.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng (BVNTD) trong thương mại điện tử (TMĐT) đến năm 2025.
Đề án yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chống hàng giả và BVNTD để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác chống hàng giả và BVNTD trong hoạt động TMĐT.
Đề án cũng yêu cầu tăng cường, nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.
Mục tiêu của đề án là nâng cao hiệu quả BVNTD trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững.