Vấn nạn hàng hóa kém chất lượng trên không gian mạng Bài 8:

"Bóc mẽ" chiêu trò "đặt đơn ảo" trên sàn thương mại điện tử Shopee

- Thứ Hai, 06/03/2023, 08:00 - Chia sẻ

Nhằm tạo dựng uy tín, thu hút nhiều khách hàng mà nhiều chủ gian hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã sử dụng những chiêu trò có hành vi gian dối, không đảm bảo tính cạnh tranh trong kinh doanh trên không gian mạng. 

Mua sắm online trên các nền tảng mạng xã hội hay sàn TMĐT đang trở nên phổ biến thời gian trở lại đây. Sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp giành thị phần trong mảnh đất màu mỡ này.  

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến ngày 31.12.2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. 

Theo thống kê của Metric, tính từ ngày 01.01.2022 đến ngày 30.11.2022, tổng doanh thu trên 4 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam hiện tại là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo đạt mức 135.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng số nhà bán hàng đã phát sinh đơn hàng trên 4 sàn TMĐT này trong cùng khoảng thời gian là 566.000 gian hàng.

Trong khi đó, Lazada là sàn TMĐT phổ biến thứ hai với doanh thu khoảng 26.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 21%. Sàn TMĐT Tiki chiếm 5% thị phần với doanh thu tương đương 5.700 tỷ đồng còn Sendo chiếm khoảng 1% với doanh thu đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Để có được doanh thu khủng như số liệu thống kê, các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada tại Việt Nam có những chính sách khuyến khích người bán hàng nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm như thực hiện các nhiệm vụ để được một lần đẩy sản phẩm miễn phí, tạo mã giảm giá để nhận xu của shop,...

Bóc mẽ loạt chiêu trò của các chủ gian hàng trên sàn TMĐT Shopee, Lazada -0
Bóc mẽ loạt chiêu trò của các chủ gian hàng trên sàn TMĐT Shopee, Lazada -0
Chủ gian hàng tìm đặt đơn ảo và theo dõi chéo nhau ở các hội nhóm trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Ảnh: PV

Bên cạnh những cách thức quảng cáo gian hàng chính thống theo đúng chính sách của các sàn TMĐT thì trên nền tảng mạng xã hội Facebook đã xuất hiện nhiều dịch vụ giúp chủ gian hàng luồn lách qua khâu kiểm duyệt của Shopee, Lazada. 

Cụ thể, có rất nhiều các nhóm kín trên nền tảng mạng xã hội Facebook cũng cấp các dịch vụ đặt đơn ảo, tăng tương tác cho các gian hàng với các mức giá khác nhau.

Tại một nhóm kín có tên "Đặt đơn ảo Shopee - Lazada. Vận hành từ A - Z", các thành viên trong nhóm liên tục đăng bài tìm kiếm những người dùng có nhiều tài khoản Shopee/Lazada đã dùng trên 3 đến 5 tháng và có đơn hàng đã được giao thành công. Những người này sẽ được chủ gian hàng trả phí từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng cho mỗi đơn đặt hàng thành công, có đánh giá 5 sao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng. 

Đáng chú ý, những hình ảnh mà nhóm người này đăng tải đánh giá về sản phẩm đều được chủ gian hàng chuẩn bị sẵn và gửi đi. Bởi vậy, không khó để người tiêu dùng thấy trên sàn TMĐT Shopee và Lazada số lượng người đã mua một mặt hàng có thể lên đến cả chục nghìn người cùng với vô vàn đánh giá 5 sao và những lời khen có cánh. 

Bóc mẽ loạt chiêu trò của các chủ gian hàng trên sàn TMĐT Shopee, Lazada -0
Các gói dịch vụ tăng tương tác trên sàn TMĐT. Ảnh: PV

Chưa dừng lại ở đó, tại các nhóm có tên như "Lazada - Kinh nghiệm bán hàng nghìn đơn"; "Shopee - Lazada: Kênh hỗ trợ người bán"; "Đặt đơn ảo miễn phí Shopee Lazada Tiki".....các bên thứ 3 quảng cáo dịch vụ giúp các gian hàng từ bình thường lên thành Shopee Mall, LazMall.

Những gian hàng này được định nghĩa là gian hàng của các thương hiệu trong nước hay nước ngoài uy tín mở ra. Khi mua hàng trên các gian hàng Shopee Mall, LazMall, khách hàng có thể tận hưởng những quyền lợi hấp dẫn: Cam kết cung cấp 100% hàng chính hãng hoặc có thể được hoàn tiền gấp đôi nếu phát hiện hàng giả/nhái.

Cam kết là vậy nhưng rất nhiều các gian hàng trên Shopee, Lazada gán mác Shopee Mall, LazMall phần lớn đều mua gói dịch vụ của bên thứ ba với mức giá từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng chỉ trong vòng 6 ngày. Chất lượng hàng hoá trên những gian hàng này có đảm bảo chất lượng hay không thì không rõ nhưng hàng hoá vẫn được tiêu thụ đều khi đánh trúng tâm lý khách hàng về số lượng người đã mua, phản hồi tích cực và có gán mác "Mall". 

Bóc mẽ loạt chiêu trò của các chủ gian hàng trên sàn TMĐT Shopee, Lazada -0
Gói dịch vụ cho gian hàng lên Shopee Mall. Ảnh: PV

Ngoài ra, trong các hội nhóm kín trên, các chủ gian hàng còn đăng tải hình ảnh gian hàng của mình lên. Qua đó, các chủ gian hàng sẽ quan tâm chéo nhau để tăng lượng người đã theo dõi lên chứ không phải tất cả đều là khách hàng thật. 

Trên một số website về vận hành và quản lý bán hàng online chuyên nghiệp còn có những bài viết hướng dẫn chi tiết về cách đặt đơn ảo để tăng số lượng người đã mua hàng. Theo đó, những website này còn chỉ rõ cách các sàn TMĐT Shopee, Lazada phát hiện đơn ảo và những cách thức để qua được kiểm duyệt của sàn mà không ảnh hưởng đến gian hàng. 

Bóc mẽ loạt chiêu trò của các chủ gian hàng trên sàn TMĐT Shopee, Lazada -0
Khi tham gia các hội nhóm liên quan đến dịch vụ trên sàn TMĐT, người dùng sẽ nhận được tin nhắn mời chào của nhiều bên. Ảnh: PV

Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các sàn TMĐT buông lỏng kiểm soát hoạt động bán hàng của cá nhân, đơn vị đăng ký kinh doanh là bởi các nhà bán lẻ hàng hóa luôn bị đặt vào áp lực về mặt doanh số, số tài khoản, thứ hạng, lượng truy cập… Tình trạng kinh doanh bát nháo trên sàn TMĐT như Lazada và Shopee lại càng trầm trọng hơn, đặc biệt là buôn bán trái phép thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử… Vấn đề hàng hóa trôi nổi, đẩy giá bán, khuyến mãi ảo cũng vô cùng trầm trọng.

Để giải quyết thực trạng hàng kém chất lượng được tiêu thụ đến tay người tiêu dùng, cần có chế tài xử phạt nặng tay với cả đơn vị bán hàng và chủ sàn TMĐT. Nhưng quan trọng hơn nữa là phải có công cụ kiểm soát hoạt động TMĐT. Bộ Công Thương cần có cơ chế phối hợp, làm việc chặt chẽ với sàn TMĐT trên cơ sở pháp luật rõ ràng để kịp thời cảnh báo hoạt động vi phạm, tránh lan rộng và kịp thời vá lỗ hổng. 

Lý Yên
#