Ràng buộc án lệ

Đỗ Quyên 11/05/2016 07:46

Sự kiện Tòa án Nhân dân Tối cao vừa công bố 6 bản án lệ đầu tiên điển hình về tranh chấp đòi lại tài sản, ly hôn, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay tranh chấp di sản thừa kế… đánh dấu bước tiến mới của pháp luật Việt Nam. Những bản án lệ này là phương thức hiệu quả để khắc phục những khiếm khuyết pháp luật, bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xã hội, tạo tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong phán quyết của Tòa án.

Thực tiễn pháp luật cho thấy, không hiếm trường hợp nội dung luật không được giải thích rõ ràng dẫn tới những cách hiểu, cách xử án khác nhau. Đơn cử như với quy định về thừa kế, thù lao người quản lý di sản được xác định như thế nào; thời điểm mở thừa kế được tính từ khi nào để xác định hoa lợi, lợi tức từ tài sản thừa kế hay thừa kế có yếu tố nước ngoài mà không xác định được địa chỉ của người thuộc diện thừa kế thì sẽ chia ra sao, đã từng khiến không ít luật gia băn khoăn. Chính vì lẽ đó mà sự ra đời của bản án lệ số 5 và số 6 về vụ án tranh chấp thừa kế, những khoảng trống pháp lý đó đã phần nào được khỏa lấp. Sự ra đời của án lệ cũng chính là yêu cầu của thực tiễn pháp lý khi nguyên tắc “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” đã được ghi nhận trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Với những bản án lệ đã công bố, Tòa án sẽ không có lý do gì để từ chối xét xử khi pháp luật còn bỏ ngỏ.

Câu chuyện đặt ra là tính ràng buộc của những bản án lệ đó ra sao?

Có ý kiến cho rằng, án lệ có “quyền năng” hơn cả thẩm phán chủ tọa phiên tòa, bởi khi đã có án lệ thì buộc Hội đồng xét xử phải xử và tuyên theo, vô hình trung nó làm triệt tiêu tính sáng tạo của thẩm phán. Trên thực tế, có rất nhiều nước trên thế giới công bố án lệ nhưng bản án lệ của nước này chỉ có giá trị tham khảo chứ không áp đặt tòa cấp dưới bắt buộc phải xử theo và các thẩm phán khi xét xử có thể có suy nghĩ và lập luận khác án lệ.

Đối với nước ta, án lệ không mang tính ràng buộc tuyệt đối mà nguyên tắc áp dụng án lệ cũng linh hoạt và mềm dẻo. Theo đó, thẩm phán vẫn có thể không áp dụng án lệ nếu có quan điểm khác nhưng phải đưa ra lập luận cụ thể, rõ ràng, xác đáng, nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa. Bên cạnh đó, nếu quá trình xét xử, thẩm phán có những nhận định, phân tích khác thuyết phục được hội đồng tuyển chọn án lệ thì bản án đó có thể trở thành án lệ. Lúc này, án lệ không hạn chế tính độc lập mà còn làm tăng tính sáng tạo cho thẩm phán. Tuy nhiên, trong trường hợp thẩm phán từ chối áp dụng án lệ mà không có lập luận rõ ràng hay thiếu thuyết phục thì chế tài sẽ ra sao, cũng là điều cần tính tới. Đó là điều kiện tiên quyết bảo đảm tính pháp lý của án lệ.

Sự ràng buộc tương đối còn thể hiện ở thời gian tồn tại của án lệ rất hạn chế, khi lỗ hổng pháp lý được cơ quan lập pháp “lấp đầy” hoặc “vá” nó bằng các quy định pháp luật mới thì án lệ không được áp dụng nữa mà phải được thay thế. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có một cơ chế hữu hiệu xóa bỏ sự tồn tại của một án lệ không còn phù hợp, tránh trường hợp lạm dụng án lệ dẫn tới coi thường sự hoàn thiện của pháp luật thành văn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ràng buộc án lệ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO