Quản lý phương tiện bay rất khó
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng không nhân dân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân, tạo cơ sở pháp lý xây dựng, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; bảo đảm an toàn phòng không; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội… đại biểu Hà Thọ Bình nhấn mạnh: Hoạt động tác chiến phòng không nhân dân là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta.
Ngày nay, trong chiến tranh hiện đại, các phương án tác chiến tiến công đường không và phòng, chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại trong cục diện chiến trường… Từ đó đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng lực lượng phòng không nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động phòng ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không.
Theo đại biểu Hà Thọ Bình, hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ vùng trời đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Nếu như ở Việt Nam, có các lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân và phòng không nhân dân thì ở một số nước như Israel, họ đã xây dựng vòm sắt để bảo vệ vùng trời…
Cũng theo đại biểu, trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng phòng không nhân dân của nước ta đã tiêu diệt được hơn 10% các phương tiện của địch (các cụ già bắn rơi máy bay; hay những người nông dân khoác súng trên vai sẵn sàng bắn các mục tiêu bay thấp…). Trong công tác tác chiến, lực lượng phòng không phương tiện chỉ là máy bay, tên lửa…; chưa có phương tiện hiện đại như hiện nay (tên lửa hành trình, máy bay không người lái, hay UAV, Flycam…).
Dẫn thực tế đó, đại biểu Hà Thọ Bình nhấn mạnh, việc quản lý phương tiện bay hiện nay rất khó. Đại biểu dẫn ví dụ: Flycam - phương tiện bay có gắn camera được điều khiển từ xa để chụp ảnh, quay video từ trên cao khi hoạt động trên các địa bàn, nếu không có sự phối hợp thì rất khó trong bảo vệ khu vực phòng thủ.
Đơn cử, đợt diễn tập khu vực phòng thủ mới đây tại phía tây tỉnh Thanh Hóa hay phía tây tỉnh Quảng Bình, có những thời điểm Flycam bay liên tục dọc theo tuyến biên giới… Song, khi phối hợp Công an thì không có trường hợp nào cấp phép, hay cơ quan nào đứng ra nhận đã đưa Flycam vào bay. “Điều này rất nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng - an ninh hiện nay. Do đó, đề nghị dự thảo luật cần có quy định cụ thể đơn vị nào quản lý, cấp phép sử dụng Flycam”, đại biểu Hà Thọ Bình nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, trong tình hình hiện nay, cần phải chủ động từ sớm, từ xa, không để bất ngờ; đặc biệt an ninh trên không, bảo vệ bầu trời Tổ quốc khi có tình huống xảy ra. Do đó, cần thiết phải xây dựng Luật Phòng không nhân dân…
“Trên cơ sở luật này, để có hướng mở để phòng không nhân dân kết hợp phòng không lục quân và phòng không quốc gia nhằm bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc; bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, đại biểu nhấn mạnh.
Không quy định độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân trong luật
Về Dự thảo Luật Phòng không nhân dân, đại biểu Hà Thọ Bình nêu rõ: Dự thảo được xây dựng có bố cục 8 chương, 54 điều và quy định các điều, khoản rất cụ thể. Trong đó có các quy định chung; quy định về xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; hoạt động phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; nguồn lực, chế độ, chính sách, trang bị cho phòng không nhân dân...
Tán thành với một số ý kiến về lực lượng nòng cốt của phòng không nhân dân gồm có 4 đối tượng (Bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên và nhân dân)… Tuy nhiên, liên quan việc quy định độ tuổi tham gia lực lượng phòng không nhân dân, đại biểu Hà Thọ Bình đề nghị nghiên cứu không nên đưa nội dung quy định độ tuổi này vào dự thảo luật… Bởi, theo phân tích của đại biểu Hà Thọ Bình, thì trong kháng chiến chống Mỹ, từ cụ già đến các cháu học sinh cũng đều không quy định độ tuổi bao nhiêu?.
Tham gia ý kiến góp ý vào quản lý phương tiện bay, đại biểu Hà Thọ Bình cho rằng: Nếu không quy định độ tuổi thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi, hiện nay các phương tiện bay có nhiều loại, và có nhiều loại trò chơi cũng có thể sử dụng được các phương tiện bay, và trong thực tế có nhiều phương tiện bay người dưới 18 tuổi cũng có thể điều khiển được…
Do đó, đại biểu đồng tình quan điểm như luật xây dựng là phải quy định độ tuổi: “Người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ từ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không”.