Bảo đảm tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp
Theo các chuyên gia, tội phạm chưa thành niên gần đây không chỉ gia tăng về số lượng vụ việc mà đang ngày càng trẻ hóa. Có những đối tượng chỉ có 12 - 13 tuổi nhưng đã thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma tuý. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này phải kể đến tâm sinh lý tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi, do môi trường giáo dục gia đình, những tác động ngoài xã hội từ bạn bè, mạng xã hội… đã ảnh hưởng tới hành vi, suy nghĩ của các em.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên vẫn còn nhiều bất cập. Việt Nam hiện có 7 bộ luật, luật điều chỉnh trực tiếp về tư pháp với người chưa thành niên, dẫn tới các quy định còn tản mạn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn. Thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và sự phát triển của người chưa thành niên; các biện pháp giám sát, giáo dục để thay thế hình phạt còn thiếu, ít được áp dụng.
Qua nghiên cứu ngẫu nhiên hệ thống pháp luật của 28 quốc gia trên thế giới, có tới 21 quốc gia xây dựng đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Ở cấp độ khu vực, hiện nay, 9/10 quốc gia ASEAN đã có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên (duy nhất Việt Nam chưa ban hành đạo luật này). Chính vì vậy, việc ban hành một Luật dành riêng về tư pháp cho người chưa thành niên là điều cần thiết để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, đây là một đạo luật rất nhân văn với người chưa thành niên, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam trong thực thi Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Đặc biệt, kết luận của Ủy ban quyền trẻ em Liên Hợp Quốc về báo cáo thực hiện Công ước quyền trẻ em lần thứ 5 và 6 của Việt Nam ngày 19.9.2022 tại Geneva, Thụy Sĩ đã khuyến nghị Việt Nam xem xét xây dựng và thông qua một đạo luật toàn diện về tư pháp trẻ em, cung cấp khuôn khổ pháp lý cho hệ thống tư pháp trẻ em.
Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên cung cấp khung pháp lý thống nhất hơn dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên, thông qua việc tổng hợp và tăng cường các quy định đang nằm rải rác trong nhiều luật; hướng đến bảo đảm tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn trong giáo dục và giám sát người chưa thành niên vi phạm pháp luật...
Xây dựng cơ chế xử lý mang tính nhân văn
Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, các quốc gia đều xác định người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần nên chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất khi tham gia vào các quan hệ xã hội, đặc biệt là trong hoạt động tư pháp. Hầu hết người chưa thành niên khi tham gia vào quy trình tố tụng tư pháp hình sự phức tạp đều cảm thấy lo sợ, dễ bị tổn thương, bị tác động tiêu cực.
Do đó, cần có cơ chế xử lý mang tính nhân văn, đặc thù, phù hợp, nhất là người chưa thành niên phạm tội. Vì vậy, dự án Luật tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp này.
Hiện nay, đang có 2 phương án về loại hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên. Thứ nhất là giữ nguyên các loại hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên theo quy định của pháp luật hiện hành, gồm: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn. Để có sự đa dạng các hình phạt thì Tòa án có sự cân nhắc, lựa chọn để áp dụng hình phạt phù hợp với từng người chưa thành niên khi họ không đủ điều kiện được chuyển hướng.
Quan điểm thứ hai là chỉ nên quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt là tù có thời hạn. Các trường hợp không phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Các biện pháp xử lý chuyển hướng trong Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, bao gồm: khiển trách; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; xin lỗi người bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập, dạy nghề; tham gia điều trị, tư vấn tâm lý bắt buộc; lao động công ích; cấm tiếp xúc; cấm đến một địa điểm nhất định; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh, nên quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt là tù có thời hạn. Các trường hợp không phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Bởi thực tế, hình phạt cảnh cáo hay phạt tiền không phù hợp với tâm sinh lý và mục đích giáo dục. Đa số người dưới 18 tuổi đều không có tài sản riêng, việc đóng tiền để nộp phạt không có tác dụng cao giúp người chưa thành niên nhận thức đầy đủ về lỗi lầm của mình.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với người dưới 18 tuổi nhận thức pháp luật còn chưa cao, khi những đối tượng này thực hiện hành vi trái pháp luật nếu chưa đến mức áp dụng hình phạt tù thì áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để thấy được tính nhân văn, nhận thức được hành vi sai trái của mình, mục đích là giáo dục và tạo cơ hội để sửa sai.
Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên đang quy định biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp nghiêm khắc nhất trong các biện pháp xử lý chuyển hướng, được áp dụng sau cùng khi người chưa thành niên không tuân thủ việc chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng đã áp dụng... Đây cũng là cơ chế để người chưa thành niên không phải quay lại quy trình tố tụng hình sự thông thường, mất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp.