Cần có chính sách để phát triển kinh tế giảm tối đa hủy hoại môi trường

- Thứ Sáu, 17/11/2023, 18:05 - Chia sẻ

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Môi trường tác động trực tiếp đến năng lực cạnh tranh quốc gia  

Giữa kinh tế và môi trường luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Nếu để kinh tế phát triển một cách tự nhiên sẽ gây hậu quả hủy hoại môi trường. Do đó, cần có sự can thiệp của Nhà nước để phát triển kinh tế phải giảm tối đa hủy hoại môi trường. 

Hiện chủ trương đường lối của Đảng về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường cơ bản đã hoàn thiện. Nhưng bước tiếp theo là thể chế hóa chủ trương và thực thi ở các cơ quan, tổ chức có liên quan.  

Câu hỏi đặt ra là, hệ thống pháp luật để cụ thể hóa vấn đề này đã toàn diện hay chưa? Tôi cho rằng, hiện hệ thống pháp luật chúng ta vẫn đang hoàn thiện. Ví dụ, Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, trong đó như Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tới  5 - 6 nhiệm vụ về xây dựng khung thể chế; nghiên cứu xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm với phát triển kinh tế tuần hoàn trình Chính phủ xem xét quý I.2023, giờ đây cũng chưa có được nghị định này.  

Trong bối cảnh này, ngoài khung thể chế thì năng lực thực thi, giám sát thực thi cũng rất quan trọng. 

Đẩy mạnh “tiêu dùng xanh” 

Ở góc nhìn của người làm chính sách, tôi cho rằng chúng ta rất cần khẩn trương thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Nếu chậm trễ thì hậu quả càng lớn, chưa kể có thể mất đi một số lợi ích về kinh tế. Đơn cử, vấn đề môi trường có tác động trực tiếp đến giảm năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Một số chính sách thương mại toàn cầu bây giờ xu hướng mua là tiêu dùng xanh, hay một số cơ chế thuế Carbon sắp tới Châu Âu áp dụng, nếu doanh nghiệp không chuyển đổi sẽ tụt hậu. Do đó, chúng ta phải rất nhanh, quyết liệt, khẩn trương, nhanh chóng hoàn thiện toàn bộ nhiệm vụ về thể chế. 

Theo đó, thể chế phải đi trước, phát triển đồng bộ hệ sinh thái cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, có sự tham gia của tất cả các bên. Bản thân doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy, làm sao ngay cả pháp luật chưa quy định thì doanh nghiệp bằng lợi ích của mình cũng nên làm, không đợi văn bản ra để tuân thủ. Nhiều doanh nghiệp chủ động xây dựng nền kinh tế tuần hoàn sẽ có lợi thế cạnh tranh.  

Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng phải thay đổi, làm sao để tiến tới tiêu dùng xanh. 

Tôi cũng cho rằng, không nên tư duy chính sách, thể chế phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là hai mảng tách bạch nhau. Cần có sự lồng ghép giữa phát triển thể chế và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, khi xây dựng các quy định pháp luật phải tư duy về việc thúc đẩy bảo vệ môi trường. 

Trong khung thể chế này, cơ chế chính sách về tài chính để thúc đẩy hoạt động kinh doanh là quan trọng nhưng không phải tất cả. Cá nhân tôi cho rằng các thể chế khác tạo ra các chế định ưu tiên khác thúc đẩy, hoặc cản trở các hành vi mà chúng ta gọi là sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng.  

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, bảo vệ môi trường nhưng không phải bằng mọi giá. Bảo vệ môi trường trong các cơ chế, chính sách quy định phải cân bằng giữa lợi ích và chi phí. Nếu quy định bảo vệ môi trường quá mức cần thiết thì sẽ gia tăng gánh nặng chi phí kinh doanh.  

Tránh quy định rào cản doanh nghiệp muốn làm mà không làm được 

Có hai khung khổ chính sách, thứ nhất, các chính sách khi soạn thảo quy định pháp luật nên thúc đẩy chính sách hành vi doanh nghiệp kinh doanh theo hướng bền vững. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa làm tốt được điều đó. Gần đây, có dự thảo quy định về định mức tái chế cho doanh nghiệp để thực thi bảo vệ môi trường, vẫn tính định mức cào bằng cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, không tính phác thải đầu ra của doanh nghiệp là những cái có thể tái chế được, có những cái không tái chế được. Điều này, chưa thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng sản phẩm tạo ra phác thải mà có tỉ lệ tái sử dụng cao. 

Hiện, nhiều doanh nghiệp băn khoăn đôi khi họ muốn thực hiện nhưng khung thể chế chưa rõ ràng, có nơi thực hiện, có nơi không. Ví dụ phía Hiệp hội có phản ánh với tôi kiến nghị xử lý chất rắn trong lò hơi đồng sôi của ngành giấy. Theo phản ánh, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường chưa rõ ràng, chưa có thông tư để hướng dẫn, trong khi doanh nghiệp muốn đồng thời xử lý luôn chất thải trong lò hơi. Do vậy, cần tránh quy định gây khó khăn để doanh nghiệp muốn làm mà không làm được. 

Cùng với đó, phải quan tâm đến khung thể chế tưởng không liên quan đến phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Ví dụ có đơn vị mua rất nhiều nguyên liệu từ đầu vào thu gom rác thải không có hạch toán VAT nhưng khi họ tái chế, đi vào sử dụng thì lại phải thực hiện hạch toán về VAT. Hay thị trường về thu mua, bán đồ cũ Đan Mạch tưởng chừng không liên quan nhưng rất quan trọng để thúc đẩy cản trở hành vi mà doanh nghiệp muốn làm để thực hiện kinh tế tuần hoàn. 

Do đó, xây dựng chính sách cần được tính toán, lồng ghép để tránh tạo ra khoảng trống, hoặc rào cản để doanh nghiệp muốn làm mà không làm được. 

PV
#