Quốc hội không ngừng đổi mới vì người dân, doanh nghiệp

Bài 3: Vì dân từ những cách làm chưa có tiền lệ

- Thứ Sáu, 22/07/2022, 05:52 - Chia sẻ

Cuộc sống cần chính sách nhanh, kịp thời thì Quốc hội họp đêm họp ngày; khi thảo luận chính sách ít nói đến rào cản, khó khăn mà tìm cách làm được, làm tốt nhất; luôn đổi mới với những cách làm chưa có tiền lệ... “Những điều đó dưới góc nhìn của tôi chính là vì người dân, vì doanh nghiệp”, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ĐẬU ANH TUẤN chia sẻ.

Quốc hội đã thể hiện rõ cam kết vì dân, vì doanh nghiệp

- Nhìn lại năm đầu tiên của Quốc hội Khóa XV, theo ông, tinh thần “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm” đã được Quốc hội cụ thể hóa ra sao?

- Điều tôi thấy rõ nhất trong thời gian qua là tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong hoạt động của Quốc hội.

Ông Đậu Anh Tuấn

“Sự chuyển động tích cực của một tổ chức chắc chắn luôn có vai trò quan trọng của những người lãnh đạo, người đứng đầu. Tôi có nhiều năm trực tiếp tham gia và theo dõi các hoạt động của Quốc hội thấy rất rõ điều này. Chúng ta có thể thấy vai trò của người đứng đầu qua chất lượng của các phiên họp ở Quốc hội. Chúng ta cũng có thể thấy hoạt động chất vấn sôi nổi và có chất lượng ra sao”.

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn

Minh chứng là hoạt động lập pháp hướng tới người dân, hướng tới thực tiễn cuộc sống để đáp ứng một cách kịp thời nhất. Cuộc sống cần những chính sách nhanh, kịp thời thì Quốc hội và Chính phủ họp đêm họp ngày để kịp thời ban hành thông qua. Những kỳ họp Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua có nhiều kỷ lục, cách làm chưa có tiền lệ về sự khẩn trương và tốc độ thảo luận và thông qua chính sách. Bối cảnh đại dịch phức tạp, khó lường cần sự chủ động, nhanh chóng thì Quốc hội ban hành Nghị quyết trao quyền tự chủ cho Chính phủ. Khi thảo luận các chính sách tôi thấy ít nói đến việc rào cản, khó khăn, thông lệ… mà nói đến cách nào làm được, làm tốt nhất, đáp ứng được yêu cầu thực tế…

Tất cả những điều đó dưới góc nhìn của tôi chính là vì người dân, vì doanh nghiệp.

- Trực tiếp gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp, ông thấy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Quốc hội Khóa XV thông qua có ý nghĩa, tác động thế nào trong thực tế?

- Theo dõi những chính sách của Quốc hội được ban hành thời gian qua có thể thấy khoảng cách từ chính sách đến thực tế rất ngắn, tốc độ triển khai nhanh. Các nghị quyết sau khi được thông qua đã thấy được những hiệu ứng trên thực tế.

Chẳng hạn, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24.9.2021 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với quy mô hỗ trợ khoảng 38 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết thông qua trong giai đoạn dịch bệnh đang rất căng thẳng nên có tác động và ý nghĩa rất lớn cả về vật chất lẫn tinh thần cho rất nhiều người dân. Sau khi chính sách này được thông qua, lập tức hàng triệu người lao động trên cả nước nhận được khoản hỗ trợ trực tiếp vào tài khoản. Cách thức triển khai như vậy rất hiệu quả. Người thân của tôi làm cho một công ty nước ngoài từng rất hoài nghi về các chính sách hỗ trợ trước đây cũng đã phải bày tỏ ngạc nhiên về sự nhanh chóng và hiệu quả trong triển khai chính sách hỗ trợ này.

Lưu ý, đây cũng chỉ là một trong rất nhiều nghị quyết, chính sách, luật mà Quốc hội đã ban hành trong một năm vừa rồi.

Không có rào cản nào với doanh nghiệp khi góp ý chính sách

- Trên tinh thần “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”, không chỉ trong việc ban hành quyết sách mà Quốc hội còn đổi mới trong hoạt động như họp trực tuyến, tổ chức kỳ họp bất thường… Ông nhìn nhận thế nào về sự đổi mới này?

- Đúng là năm đầu tiên của Quốc hội nhiệm kỳ mới đã có rất nhiều đổi mới. Những kỳ họp Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cũng có nhiều kỷ lục, cách làm chưa có tiền lệ về sự khẩn trương, tốc độ thảo luận và thông qua chính sách.

Trước hết là sự chủ động trong tổ chức hoạt động. Ngay từ phiên họp đầu tiên, trong Nghị quyết số 30/2021/QH15, Quốc hội lần đầu tiên có sáng kiến lập pháp tức thời, vừa trình Quốc hội cho bổ sung chương trình, vừa xin chủ trương của Bộ Chính trị, vừa thảo luận, vừa biểu quyết trong 3 ngày, với sự đồng thuận rất cao.

Do yêu cầu cấp bách của nền kinh tế, của đất nước, của người dân nên lần đầu tiên có một kỳ họp Quốc hội bất thường vào tháng 1.2022 để thảo luận và thông qua những chính sách quan trọng mà người dân và doanh nghiệp đang trông đợi. Hay những lúc dịch bệnh căng thẳng nhất thì hoạt động của Quốc hội vẫn tiến hành bình thường với việc tổ chức kỳ họp trực tiếp kết hợp với trực tuyến vẫn bảo đảm chất lượng tốt…

Như vậy có thể thấy, tinh thần ở đây là Quốc hội hướng tới người dân, vì doanh nghiệp và cho sự phát triển của đất nước. Bối cảnh, tình hình có khó khăn nhưng với tinh thần này, các hoạt động của Quốc hội sẽ luôn vượt qua được.

- Tinh thần “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm” sẽ khó cụ thể hóa hiệu quả nếu thiếu vai trò của người điều hành Quốc hội. Quan điểm của ông thế nào?

- Sự chuyển động tích cực của một tổ chức chắc chắn luôn có vai trò quan trọng của những người lãnh đạo, người đứng đầu. Tôi có nhiều năm trực tiếp tham gia và theo dõi các hoạt động của Quốc hội thấy rất rõ điều này. Chúng ta có thể thấy vai trò của người đứng đầu qua chất lượng các phiên họp của Quốc hội. Chúng ta cũng có thể thấy hoạt động chất vấn sôi nổi và có chất lượng ra sao.

Tôi rất ấn tượng với nguyên tắc, phương hướng hoạt động mà Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh nhiều lần là chủ động, phối hợp chặt chẽ, tinh thần trách nhiệm cao, vào cuộc từ sớm, từ xa của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điểm ấn tượng nữa là mức độ tham vấn và lắng nghe rộng rãi của Quốc hội. Có lẽ giai đoạn vừa rồi các hoạt động này của Quốc hội được tiến hành rộng rãi nhất. Quá trình thảo luận, thông qua các dự án luật hay chính sách thì hoạt động lắng nghe, tham vấn đều được chú trọng, thực hiện thực chất.

Có những dự án luật liên quan đến doanh nghiệp, VCCI được các cơ quan của Quốc hội gửi lấy ý kiến đến 4 - 5 lần. Phải nói là không có rào cản, cản trở gì cả từ phía cơ quan lập pháp cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng và thông qua chính sách.

Quy trình lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và VCCI vào các dự án luật trình Quốc hội, mấy Kỳ họp vừa qua cũng có đổi mới khi mở rộng thêm lấy ý kiến góp ý dự án cả trước khi trình Quốc hội ở Kỳ họp thứ Hai chứ không chỉ trước Kỳ họp thứ Nhất như trước.

Với VCCI cũng có dấu ấn lịch sử trong năm vừa qua khi lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội đến thăm và làm việc tại trụ sở VCCI, trao đổi với đại diện cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Chủ tịch Quốc hội cũng đã “đặt hàng” VCCI nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phải đổi mới và tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động tham vấn doanh nghiệp. Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định định hướng của Quốc hội thời gian tới là lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Tất cả những điều này đang ngày càng cụ thể hóa sâu sắc hơn tinh thần “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm” của Quốc hội!

- Xin cảm ơn ông!

Nhóm Phóng viên THỜI SỰ KINH TẾ thực hiện