Quốc hội không ngừng đổi mới vì người dân, doanh nghiệp

Bài 1: "Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm” chưa bao giờ sâu sắc đến thế!

- Thứ Tư, 20/07/2022, 05:48 - Chia sẻ

Tròn một năm trước (ngày 20.7.2021), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức, khẳng định sẽ “tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân”. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Quốc hội Khóa XV và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nỗ lực thực hiện cam kết này và củng cố niềm tin về một nhiệm kỳ Quốc hội sẽ ghi đậm dấu ấn trong lịch sử!

Quan sát nghị trường một năm qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chưa bao giờ tinh thần “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm” lại mạnh mẽ, sâu sắc, rõ ràng đến thế.

“Nếu không được hỗ trợ, chúng tôi đã phá sản!”

Vợ chồng anh Hoàng Văn Lộc rời quê Nghệ An ra làm công nhân tại Yên Dũng, Bắc Giang ngót 10 năm nay. Gia đình 5 người, gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con phụ thuộc hoàn toàn vào đồng lương công nhân của anh Lộc. Dịch Covid-19 ập đến, công ty phải thực hiện giãn cách khiến thu nhập của anh giảm sút. Bởi “hầu như không có khoản tích trữ” nên tháng nào vợ chồng anh cũng phải giật gấu vá vai lo tiền nhà trọ, điện nước, tiền ăn, tiền học, tiền sữa cho con… Vừa rồi, anh Lộc được nhận 1,5 triệu đồng hỗ trợ 3 tháng tiền nhà trọ. “Số tiền không nhiều nhưng một miếng khi đói bằng một gói khi no và chúng tôi biết rằng mình không bị bỏ lại phía sau”, anh Lộc cho biết.

Bài 1:
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV ngày 20.7.2021. Ảnh: L. Hiển

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất vào đầu năm nay. Với tổng kinh phí 6.600 tỷ đồng, có khoảng 3,4 triệu người lao động như anh Lộc được thụ hưởng và sẽ hoàn tất hỗ trợ trong tháng 8.2022.

Cùng với đó, Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng cho phép tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhờ vậy, doanh nghiệp vận tải du lịch Nhân Hòa do bà Hoàng Thám Hoa là Chủ tịch “được hồi sinh”.

Bà Hoa cho biết, doanh nghiệp có 54 xe chuyên chở khách du lịch. Từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020, việc hạn chế đi lại khiến công ty hầu như “đóng băng”. Doanh thu không có trong khi các khoản vay ngân hàng mỗi tháng phải trả cả gốc và lãi trên 1 tỷ đồng khiến bà Hoa như “ngồi trên lửa”. Bà phải gán 16 xe để trả nợ ngân hàng và đã nghĩ đến chuyện phá sản…

Rất may, doanh nghiệp của bà Hoa được thụ hưởng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ từ năm ngoái và được kéo dài thêm 6 tháng đầu năm nay theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15. Theo đó, mỗi tháng, bà Hoa chỉ phải nộp khoảng 100 triệu đồng cho 50% lãi, số còn lại và tiền gốc được tạm “treo”. Nhờ thế, khi ngành du lịch mở cửa trở lại từ giữa tháng 3 năm nay, doanh nghiệp có nguồn lực để bảo dưỡng chuyên sâu các xe hiện có và hoạt động trở lại. “Nếu không được Quốc hội hỗ trợ, chúng tôi chỉ còn biết bán nốt xe để gán nợ và không tránh khỏi phá sản”, bà Hoa chia sẻ.

“Tính chủ động của Quốc hội rất cao!”

Quan sát nghị trường một năm qua, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chưa bao giờ tinh thần “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm” lại mạnh mẽ, sâu sắc, rõ ràng đến thế.

Hơi thở cuộc sống đậm nét trong nghị trường

Trong các Kỳ họp, vai trò điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất chắc và sắc. Chính điều này khuyến khích đại biểu tham gia phát biểu, tranh luận. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội cũng thể hiện rõ quan điểm của mình đối với các vấn đề kinh tế - xã hội nóng bỏng như vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, siết tín dụng vào bất động sản… Hơi thở cuộc sống trong nghị trường vì thế rất đậm nét.

TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN
Nguyên viện trưởng viện
Kinh tế việt Nam

Rất nhiều lần, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã nhấn mạnh: Trong hoàn cảnh bất thường, tình thế đặc biệt (đại dịch Covid-19) cần có giải pháp/hành động khác thường. Nhìn lại năm đầu của Quốc hội Khóa XV, cũng là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, ông Thiên cho rằng, tinh thần ấy đã được thể hiện sáng rõ, trước tiên ở sự phối hợp “rất khác” giữa Chính phủ và Quốc hội.

Theo đó, một bên (Chính phủ) ráo riết chuẩn bị, tìm kiếm giải pháp để đối phó với tình thế cấp bách, một bên (Quốc hội) chủ động tham gia tạo nên sự đồng nhịp, đồng hành. “Rõ ràng, sự phối hợp của Nhà nước rất tốt! Tính chủ động của Quốc hội cũng rất cao khi luôn bám sát tình hình để hành động theo xu thế phát triển của đất nước và thế giới”, TS. Trần Đình Thiên nhận xét.

Dưới góc nhìn của ông Thiên, tinh thần vì người dân, vì doanh nghiệp của Quốc hội Khóa XV còn thể hiện ở những việc tưởng chừng nhỏ bé, đơn giản - ví dụ kết hợp họp trực tuyến với trực tiếp. “Thông thường nhiều cơ quan có tình trạng thấy khó sẽ ngại làm, bỏ qua, nhưng trong hoàn cảnh phải thực hiện giãn cách để chống dịch, Quốc hội vẫn tìm được cách làm tốt nhất. Chính điều đó cho thấy Quốc hội đã sát cánh, đồng hành với Chính phủ tháo gỡ khó khăn kịp thời cho nền kinh tế, cho người dân và doanh nghiệp”, TS. Trần Đình Thiên bình luận. Nhờ đó, nền kinh tế được tiếp sức để vượt qua đại dịch.

“Quốc hội nhìn xa vấn đề!”

Từng trong vai chuyên gia kinh tế và giờ là “người trong cuộc”, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, tinh thần “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm” không mới song phản ứng và hành động của Quốc hội có sự khác biệt. “Quốc hội một mặt đã giải quyết ngay, kịp thời vấn đề mà người dân, doanh nghiệp gặp phải, mặt khác nhìn vấn đề rất xa”, ông nhận xét.

Ví dụ, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã thảo luận nhiều về vấn đề Covid-19. Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp dành phần lớn nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch, đưa ra những yêu cầu, cơ chế và ngân sách cho Chính phủ và các cơ quan liên quan để ứng phó hiệu quả với dịch. Việc trao cho Chính phủ “thượng phương bảo kiếm” để chống dịch không chỉ thể hiện sự chung sức, đồng lòng của Quốc hội với Chính phủ mà còn cho thấy Quốc hội đã nắm bắt trọn vẹn, phản ứng nhanh nhạy trước mọi diễn biến của đất nước, người dân.

Đặc biệt, cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ nghiên cứu để xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. “Rõ ràng, Quốc hội đã nhìn xa vấn đề: Chúng ta không thể phục hồi và phát triển nếu không thiết kế được chương trình, kế hoạch hành động cụ thể!”, ông Hiếu nhìn nhận.

Nhắc đến Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội để thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế và thông qua một luật sửa 9 luật để kịp thời tháo gỡ, khó khăn vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh hay mới đây nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường để giảm thuế xăng dầu, TS. Phan Đức Hiếu cho rằng: “Điều này thể hiện tính chủ động, cách làm sáng tạo của Quốc hội nhằm đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống; đồng thời cho thấy cam kết và hành động của Quốc hội luôn đi đôi với nhau”. Bên cạnh đó, việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật cũng đặt ra tiền lệ tốt rằng, từ nay về sau hễ thể chế vướng mắc ở cấp nào dù là thuộc thẩm quyền của Quốc hội hay Chính phủ đều được xem xét và xử lý kịp thời.

Những chuyển động tích cực của Quốc hội được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. “Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, họ phản hồi rất tốt!”, TS. Phan Đức Hiếu cho biết.

Nhóm Phóng viên THỜI SỰ KINH TẾ