Và, ngay sau khi đất nước Việt Nam mới khai sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân tìm đến người hiền tài, mời họ ra làm việc cho cách mạng; gửi thư tới tận các làng xã mong được sự tiến cử người tài đức để gánh vác việc nước nhà.
78 năm qua, kể từ khi chính quyền trong tay Nhân dân, với mọi biện pháp thu hút từ mọi ngả, Đảng và Nhà nước ta đã tập hợp và xây dựng được một đội ngũ cán bộ đủ sức đảm đương sứ mệnh ở mỗi thời kỳ lịch sử.
Xem người - nhân tố quyết định trước hết và trực tiếp của phép chọn người, dùng người
Việc xem người luôn được coi là một trong những nhân tố quyết định trước hết và trực tiếp của các việc chọn người, dùng người; là nguyên nhân căn bản và điều kiện đầu tiên đối với sự thành bại sức mạnh của tổ chức và bộ máy. Vì, đây là việc khó, thậm chí rất khó, có lẽ thuộc loại việc khó nhất xưa nay. Chả thế mà bao bậc tiền nhân luôn trăn trở: “Họa hổ họa bì nan họa cốt/ Tri nhân tri diện bất tri tâm” (Vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương/ Biết người biết mặt không biết lòng)… đó sao? Và, chả thế, mà dân gian ta suốt mọi thời luôn vật vã: “Trông mặt mà bắt hình dong…”, “Sông sâu còn có thể dò/ Lòng người chín khúc ai đo cho tày?”…
Vả nữa, con người luôn biến ảo, lòng người thật khó lường, thế sự lại luôn vần xoay đắp đổi, nên việc xem người càng như nắm mũi tên đang bay, như cầm ngọn gió đang cuồng, chặn đám mây đang vần vũ! Nhìn đúng người, để xét chọn trúng và cắt đặt chuẩn người bảo đảm tương dung với công việc, bộ máy, vì thế, lại càng là việc khó khăn gấp bội.
Xem muôn vẻ người để chọn đúng nhân tài, trong sự biến đổi vô lượng, phải chăng, giữ lấy 4 điều cốt yếu sau. Trước tiên là xem thân tức dung mạo. Xem xuất thân là rất cơ bản, lấy đây làm điểm xuất phát. Người sinh ra với cốt cách sang trọng, dù có sinh trưởng từ gia đình thuộc lớp nghèo hèn, bình dân, tự bản chất đã mang vẻ cốt cách, phong thái của mình. Và, tâm tính tạo nên phong thái bên ngoài cũng như giá trị con người; hình thái, phong cách thể hiện một phần nào bản chất con người. Cổ nhân có câu: “Nhân hiền tại mạo”, "Tướng tự tâm sinh, tướng tùy tâm diệt". Người ngay thẳng, chính trực không thể có cặp mắt láo liên, người có ngũ quan ngay ngắn thì phong thái đàng hoàng, người nhìn thẳng thì lời ăn tiếng nói không thể gian dối, thiên thẹo: “Đàn ông trán dựng có tài/ Đàn bà trán dựng lâu đài soi gương”, “Mắt ngước, chân bước nhẹ nhàng/ Tướng đi khang nhã, rõ ràng hiền nhân”, “Những người thành thật môi dày/ Lại thêm ít nói lòng đầy nghĩa nhân”... Ngược lại thì: “Mắt trắng môi thâm”, “Cua thâm càng, nàng thâm môi”, "Mặt khó đăm đăm, tát nước đầm không cạn”; "Lưỡng mục bất đồng, tâm can bất chính" (Hai mắt lệch lạc, lòng dạ đen tối), “Râu rìa, lông ngực đôi bên/ Chẳng phường phản bạn, cũng tên nịnh thần”…
Lời nói phát ra tự tâm. Ấy là thanh. Tiếng nói thuộc về âm thanh, được xếp vào hàng diện mạo. Tâm người trung chính thì âm lượng hào sảng: "Người thanh tiếng nói cũng thanh/ Chuông kêu khẽ đánh bên thành cũng kêu". Tiếng nói có âm thanh trầm ấm, âm điệu đĩnh đạc, hơi dài là tốt. Trái ngược với thanh là tục: líu lo, láu táu, thều thào, lí nhí, nói ngắn là xấu, là tục. Nếu ai vừa nói nhỏ, vừa cúi đầu là kẻ gian hoạt, âm hiểm, thì thôi không bàn. Nhìn những người “Môi thâm hiểm độc trong lòng”, “Những người phính phính mặt mo/ Chân đi chữ bát có cho chẳng màng”…
Không lấy hình thức làm căn bản. Nhưng, xem tướng diện để hiểu người và tự hiểu chính mình, để chọn được nhân tài, là rất quan trọng.
Thứ hai là xem ngôn tức lời nói. Người xưa chia ra: nhất thanh, nhị sắc, tam hình. Nhạc khí làm bằng đồ tốt thì âm thanh tốt. Con người cũng thế. "Tiếng cả nhà thanh; "người có tiếng nói âm hưởng lan rộng và ngân là quý tướng; trái lại, thì: “Tiếng nói rít qua kẽ răng/ Là người nham hiểm sánh bằng hổ lang”. Âm thanh tiếng nói, theo tướng diện hoặc thân, khác với lời nói, tức là khác với ngôn. “Khẩu Phật tâm xà”, “Trung ngôn nghịch nhĩ”, "Vàng thì thử lửa, thử than/ Chuông kêu thử tiếng người ngoan thử lời"… chính là ngôn vậy. Nhớ hơn 700 năm trước, Hưng Đạo Vương để lại bao nhiêu kinh nghiệm trong việc xem lời nói của con người để xét đoán người: Hỏi bằng lời nói xem trả lời có rõ ràng không; lấy lời cật vấn đến kỳ cùng để xem cách ứng biến của họ; hỏi rõ ràng tường tận để xem đức hạnh thế nào.
Đặc biệt, trong các phép để biết người, có nhiều phép xem người, qua lời nói để đo khí độ, tiền nhân cũng dặn rằng: Hỏi việc phải trái để dò chí hướng; lấy lời cật vấn để biết ứng biến; đem mưu kế hỏi để lường kiến thức. Và, mời rượu cho uống say để xét tính tình; đưa lợi gái thử để rõ thanh liêm chính trực không? Muốn xem một người có đáng coi trọng hay không thì phải nhìn xem người ấy có khiêm tốn, cẩn trọng hay không, có phải là người nho nhã, lễ độ hay không, có tuân thủ quy tắc hay không. Nghe họ nói thì phải xem họ có đi làm hay không. Nếu một người chỉ nói mà không làm tức là chỉ nói suông mà không có hành động thực tế, thì đó là người không đáng tin. Và, nếu tiếp xúc một thời gian, lời nói và việc làm của họ có sự sai biệt quá lớn, thì có thể thấy rõ nhân phẩm cùa người này không tốt. Nếu lần này gặp mặt nói một đường, nhưng lần sau gặp lại thấy nói một nẻo, thì nhân phẩm của người này là không tốt. Sao mà tuyển được. Ngôn là trí, là tâm… chính là đó.
Hơn lúc nào hết, lúc này, chính trị là đạo đức
Thứ ba, xem chính tức là chính sự. Chính trị luôn được xem là một nghề! Nhưng nghiệp mới là trọng! Vinh nhục, thành bại, còn mất của đời người tham gia chính sự, có lẽ nằm cả ở nghề và nghiệp và tùy thuộc vào sự hành xử đối với nghề nghiệp! Vì thế, xem người, để chọn nhân tài, thì chính là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nó mệnh hệ tới người khác, tạo an nguy tới cộng đồng, thậm chí quyết định sự còn mất đối với dân tộc. Hơn bao giờ hết, hiện nay, lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng. Do đó, “Dĩ công vi thượng” phải là phẩm giá cao nhất của bất cứ ai, trước hết đối với những người tham gia chính sự. Trong công việc chính sự, xưa nay thường thấy, người không thành tín, không đức dày không dẫn dắt được ai, nên để họ đứng ngoài chính sự. Không thành tín thường sinh ra bất liêm, mà bất liêm lại sinh ra tư túng, hủ bại, phù hoa, xa xỉ, nhất là nạn trộm cắp vạn hình, nhất là đạo vị (trộm cắp chức vụ), tham nhũng đủ loại, hà lạm muôn vẻ, thì vô hình trung làm nát chính sự.
Hơn lúc nào hết, lúc này, chính trị chính là đạo đức. Người đạo đức kém thì sao giữ chính trị ngay ngắn và giỏi giang được. Tất cả những tệ ấy được người ta ngụy trang dưới muôn màu, thật khéo léo, tinh vi, đã và đang làm nhiễu loạn chính trường, làm rối loạn lòng người, cấp bách cần nhận ra (và kiên quyết phải tẩy trừ). Đây là những tệ nạn phi đạo đức: Lòng tham mà không chán; ghen người hiền, ghét người tài; tin lời dèm pha, thích lời nịnh hót; xét người mà không xét mình; do dự không quả quyết; say đắm rượu và sắc đẹp; thích xảo trá mà lòng nhút nhát; nói lời viển vông mà không giữ lễ. Những hạng ấy, thì không mảy may luyến tiếc, quyết buông bỏ!
Và, lúc này, hơn hết lúc nào, chính trị là sự trong sạch. Cần, kiệm, liêm, chính, ấy là 4 đức của người làm chính trị.
Thứ tư, xem hành tức làm việc và sinh sống. Một việc làm cụ thể có giá trị hơn nghìn lời nói suông. Nhìn họ xử lý và vượt qua chuyện hiểm nguy để soi dũng cảm; đem việc cậy nhờ để xét sự trung thành, tín nghĩa. Nhìn những người dùng đức để đem đường cho người, dùng lễ để xếp việc cho họ, hiểu thấu sự đói rét của người dưới, biết rõ khó nhọc của đồng sự để thấy và nhận ra bậc nhân tướng. Thấy những người làm việc không cẩu thả, thấy lợi mà không tham, biết chết vinh hơn sống nhục thì đấy là những người nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Trông những người thưởng phạt nghiêm minh công bằng, khen thưởng không chậm trễ và không bỏ sót, trừng phạt không buông tha cho kẻ cao quý…, thì đó là những bậc liêm sỉ, tín tướng chân chính. Không biết xấu hổ thì không thành người được. Nếu ai nổi giận trước thói tà nịnh, thì có thể tin họ biết làm sạch mọi ngọn nguồn công việc; nếu họ thà chết để bảo vệ sự công bằng, thì càng có thể hy vọng vào sự trong sạch trên con đường mà họ đi sau này… Quý giá xiết bao! Đặc biệt những người gặp hiền tài thì tôn trọng lắng nghe, biết tỏ ý mình không theo kịp người, biết nghe lời can ngăn như thuận theo dòng nước, lòng rộng rãi nhưng chí cương quyết, giản dị và nhiều mưu kế, “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không thể cám dỗ, nghèo khó không thể chuyển lay, quyền uy không thể khuất phục)… thì đấy là người có thể dẫn dắt triệu người và xứng đáng ở bậc kinh bang tế thế.
Nếu một người thường kết giao với những người hiền tài thì có thể tuyển dụng. Nhưng nếu một người thường xuyên kết giao, đi lại với những hạng tiểu nhân thì nên cẩn trọng, dè chừng. Nếu một người dù nghèo mà họ không tham lam chiếm lợi ích của người khác thì là người tốt. Nếu một người không kiêu ngạo, không xiểm nịnh, bảo trì sự tôn nghiêm của bản thân mình, thì người ấy ắt có bản chất đặc biệt tốt. Cố nhiên, không phải lúc nào cũng thống nhất giữa thân với ngôn, giữa ngôn với hành… như vậy. Biết tính tình của người, chẳng gì khó bằng xem xét, lành dữ tuy khác nhau, tính tình và vẻ mặt chẳng phải một; có kẻ thì ôn hòa, hiền lành nhưng làm việc trộm cắp; có kẻ bề ngoài thì cung kính nhưng trong bụng thì vô lễ, dối trá; có kẻ bề ngoài thì mạnh dạn nhưng trong bụng thì khiếp sợ; có kẻ làm việc tận lực nhưng bụng không trung thành. Nếu thân nhân họ (cha mẹ, vợ, con, anh, chị, em…) bất ổn, thì hạng này càng thôi.
Dù cánh nào, luôn thật cần con mắt của muôn dân cùng thẩm xét!
Xem đúng người tối thiểu qua bốn phép thân, ngôn, chính, hành khả dĩ sẽ thấy trúng cách người, do đó không bỏ sót, luôn tuyển chọn đúng, trúng nhân tài cần chọn; và theo đó, mọi sự sau này sẽ chuẩn tắc, hanh thông. Mọi thành công của bộ máy, và tới lượt mỗi người, sự nghiệp của họ, sẽ từ đó mà thịnh vượng và tấn tới.